Tràn lan xung đột, tranh chấp chung cư

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cư dân cứ kiện và chủ đầu tư cứ… im lặng là thực tế ở hàng loạt cuộc "nội chiến chung cư".

Bức xúc thành cao trào, tình trạng khiếu kiện vì thế có dấu hiệu gia tăng về quy mô và tính chất. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước được ví như trọng tài kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm thì vẫn nêu điệp khúc quen thuộc: Quá tải!
Căng thẳng chưa hạ nhiệt

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản (BĐS). Trước đó, 43 địa phương trên cả nước đã gửi báo cáo lên Bộ Xây dựng về vấn đề này. Thông tin cho thấy, hiện có 215 dự án xảy ra khiếu nại, tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân, hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo (tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác).
700 khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Bright City (Hoài Đức) có nguy cơ mất trắng khi chủ đầu tư có dấu hiệu phá sản. Ảnh: Vân Hằng
Đây là con số rất ít trong hàng trăm dự án tranh chấp chung cư đang xảy ra. Trên thực tế, vòng luẩn quẩn: Lập fanpage, căng băng rôn “tố cáo” chủ đầu tư tràn lan từ Nam chí Bắc. Thậm chí, diễu hành hàng chục vòng bằng xe chạy quanh TP hay gội đầu, sinh hoạt ngay dưới sảnh chung cư là đỉnh điểm sự phẫn nộ của cộng động cư dân khi nhận nhà không như ý muốn hoặc quá trình “sống” chung với chủ đầu tư “cơm chẳng lành canh không ngọt”.

Khảo sát tại một số dự án tại Hà Nội có dính “dớp”, báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận chủ đầu tư đã tiến hành khắc phục hoặc tìm cách đối thoại, giải quyết khiếu nại của cư dân. Tuy nhiên, không phải mọi yêu cầu đều được đáp ứng, dẫn tới mối bức xúc lên cao trào. Gay gắt, căng thẳng nhất phải kể đến hành trình đi đòi nhà của cư dân tại dự án Usilk City Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) mở rộng. Sau hơn 7 năm trải qua nhiều sóng gió, "TP trong mơ" đó vẫn chỉ dừng lại ở những cột bê tông, sắt thép hoen gỉ nằm "đắp chiếu", những đống phế liệu ngổn ngang, dự án hoang vắng mặc cho cỏ dại mọc đầy…

"Bộ Xây dựng liên tục phải có công văn phản hồi về các vụ tranh chấp chung cư. Có ngày phải nhận và giải quyết không dưới 10 đơn thư từ người dân về tình trạng này. Quá tải, Bộ nhiều lần yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình tranh chấp, xung đột chung cư cũng như phương hướng xử lý để trình Chính phủ, song chỉ lác đác nhận được vài hồi âm. Có thể “khó” quá nên chính các địa phương cũng chưa tìm ra được câu trả lời (?!)" - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Trọng Ninh

Hàng loạt dự án khác như: 99 Trần Bình, Mipec Riverside Long Biên, VP3 Linh Đàm, Golden Silk (Vạn Phúc, Hà Đông), New Horizon (Lĩnh Nam); Parkview Residence (Tố Hữu – Hà Đông)… người dân cũng đang vỡ mộng với cuộc sống "bánh vẽ" mà các chủ đầu tư cam kết khi mở bán. Không ít trường hợp chủ đầu tư còn thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở.

Ngưng “đá bóng trách nhiệm”

Việc tranh chấp chung cư ngày càng gia tăng là thực tế đang nảy sinh đòi hỏi phải được giải quyết. Bên cạnh những quy định của Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, DN quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư. Đồng thời, Bộ sẽ sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư, quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng. "Tuy nhiên, để đi vào thực tế còn có độ trễ nhất định" - ông Ninh chia sẻ.

Điểm lại Nghị định 139/2017/NĐ-CP (ban hành ngày 27/11/2017) dù đã có quy định rất sát sao, song vi phạm trong quản lý chung cư chưa hề thuyên giảm. Vì lẽ đó, sự rà soát, thay đổi luật đôi khi không có nhiều tác dụng răn đe khi các đơn vị thực thi thiếu quyết liệt. Minh chứng rõ nhất là chỉ trong một tuần qua, đường dây nóng của Báo Kinh tế & Đô thị nhận được ít nhất 5 đơn kiến nghị khẩn cấp kèm theo giấy tờ chứng minh vi phạm của các chủ đầu tư dự án.

Khởi nguồn giải quyết chậm các cuộc "nội chiến chung cư" là do các bên liên tục… "đá bóng" trách nhiệm. Có rất nhiều vòng, rất nhiều đơn thư, ai đọc cũng bức xúc. Bản chất mâu thuẫn là “một ông giữ tiền không chịu bàn giao, sợ bàn giao xong thì ông kia chạy mất”. Tình hình cứ giằng co nhau. Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay: “Tôi gọi điện cho 6 quận, không Chủ tịch, Bí thư quận nào gửi cho tôi một tờ kiến nghị. Chờ mỏi mắt hết rồi mà không thấy các anh ấy trình báo cáo”.

Ở góc độ pháp lý, giới luật sư cho rằng, cần tăng cường giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực BĐS bằng phương pháp trọng tài. Điều 18 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định nội dung hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng bắt buộc phải có điều khoản giải quyết tranh chấp. Theo quy định pháp luật hiện hành, nếu tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh BĐS, trọng tài có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.

Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại hiện hành đang tồn tại những bất cập, hạn chế về thẩm quyền giải quyết tranh chấp BĐS, ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của các bên. "Bởi vậy, cần phải chủ động mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Luật Trọng tài thương mại, đặc biệt là loại tranh chấp BĐS, số lượng vụ việc trọng tài thụ lý, giải quyết sẽ tăng lên, nhất là đối với thị trường địa ốc đang tăng trưởng nóng và chứa đựng nhiều bất ổn như hiện nay. Vì vậy, Luật Trọng tài thương mại sửa đổi, bổ sung cần phải xem xét thấu đáo những nét đặc thù của loại tranh chấp BĐS để mở rộng thẩm quyền cho phù hợp với thực tế, đảm bảo phán quyết trọng tài có tính khả thi cao trong thời gian tới.” – Luật sư Đoàn Thị Hải Yến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích.