Tranh giả tràn lan, họa sĩ kêu cứu

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tranh giả đang bày bán rất công khai. Người bán cho cả số điện thoại, địa chỉ nhà để khách hàng đến tận nơi xem mẫu mã và thể loại” - họa sĩ Thành Chương cùng một nhóm họa sĩ khác như Phạm An Hải, Đặng Tiến, Đào Hải Phong, nhà phê bình mỹ thuật Phạm Long, Phan Cẩm Thượng cùng lên tiếng trước vấn nạn tranh giả đang ngày càng trầm trọng.

Công khai bán tranh giả
Một vài năm trở lại đây, thị trường tranh trong nước xảy ra không ít vụ làm tranh giả công khai. Gần đây nhất là vụ tranh của các họa sĩ nổi tiếng bị làm giả và được bày bán công khai trên trang web “xuongtranh.vn” (đặt tại Phạm Hùng, Mễ Trì, Cầu Giấy). Hoặc tại trang web “xuongtranhnetviet.com” (có cơ sở tại Thanh Xuân, Hà Nội), vừa rao bán tranh giả, vừa chào hàng bằng đủ hình thức trên các trang mạng xã hội.
 Họa sĩ Phạm An Hải bức xúc khi nhắc tới chuyện tranh của mình bị làm giả trắng trợn.
Tìm hiểu được biết, người điều hành xưởng tranh Nét Việt có tên là Phan Quỳnh, đứng đầu một tài khoản facebook chuyên buôn bán tranh giả thu hút 14.000 người theo dõi. Những bức tranh được bày bán ở xưởng tranh Nét Việt rất đa dạng, từ tranh khổ to khổ nhỏ cho tới các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa… Giá bán dao động từ 1 - 5 triệu đồng. Tranh làm giả thường tập trung chủ yếu từ các tác phẩm của họa sĩ Thành Chương, Đinh Quân hay Phạm An Hải… Thời gian gần đây, tranh của các họa sĩ trẻ như họa sĩ Lê Thế Anh cũng bị sao chép nhiều do nhu cầu của thị trường.

Họa sĩ Thành Chương – người có tranh bị làm giả tương đối nhiều cho rằng, việc tranh bị làm giả đã có cách đây khoảng 30 năm, khi có những người vì nhiều lý do đã chép lại tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng của Đông Dương thời đó. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hiện tượng này đã có dấu hiệu trở lại, tinh vi hơn. “Khi cả thế giới bắt đầu có cảm tình với mỹ thuật Việt, thì tranh của họa sĩ đương đại, họa sĩ ngày xưa đều bị làm giả” - họa sĩ Đào Hải Phong bức xúc.

Chỉ biết tự cứu mình

Họa sĩ Phạm An Hải – "nạn nhân" gần đây nhất của nạn tranh giả rất bức xúc vì khi bị phát hiện, người chép cãi cùn tranh của họ vẽ từ 50 – 70 năm về trước.
 Bức tranh ''Chân dung cô Kim Anh'' của họa sĩ Thành Chương bị mạo danh trong Triển lãm Bộ sưu tập tranh Mỹ thuật Đông Dương tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh dưới cái tên Tạ Tỵ.
“Hội Mỹ thuật nên tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên, đứng ra bảo vệ những họa sĩ khi có sự việc tranh chấp, làm giả hàng nhái” - họa sĩ Phạm An Hải cho biết. Tuy nhiên, họa sĩ Thành Chương ại kể câu chuyện cho thấy, tranh giả vào bảo tàng, song họa sĩ vẫn không được bảo vệ. “Năm 2016, tranh của tôi bị làm giả treo ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, hội đồng nghệ thuật do ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Nhiếp ảnh Mỹ thuật và Triển lãm chủ trì, đã vào cuộc. Ai cũng mừng kết quả xử lý tranh giả lần này chắc sẽ mỹ mãn. Nhưng rồi chỉ 3 hôm sau, gia đình ông Nguyễn Văn Chung đưa xe đến chở những bức tranh giả đó đi. Bảo tàng Mỹ thuật và Hội đồng nghệ thuật đều đùn đẩy, rồi để sự việc trôi đi mà không bảo vệ được quyền lợi cho họa sĩ”. Chính vì vậy nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, các họa sĩ không nên phụ thuộc vào Nhà nước hay các cơ quan chức năng, mà cần tự thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Tranh giả - tranh thật không phải là chuyện mới. Dù đã tồn tại 30 năm, nhưng chưa có trường hợp làm giả tranh nào bị pháp luật xử lý. Điều này đặt ra vấn đề nghiêm trọng không chỉ đối với các họa sĩ làm nghề mà còn là thách thức dành cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của những cá nhân lao động trong lĩnh vực hội họa.