Tranh luận về việc điều khiển xe máy dưới 50 phân khối phải có bằng lái

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng người từ 16 tuổi đi xe máy phải có bằng lái là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại có nhiều ý kiến trái chiều về việc này.

 

Tỉ lệ học sinh dưới 18 tuổi đi xe máy dưới 50 phân khối ngày càng tăng.
Tỉ lệ học sinh dưới 18 tuổi đi xe máy dưới 50 phân khối ngày càng tăng.

 

Nhiều vụ tai nạn liên quan đến học sinh dưới 18 tuổi

Mới đây, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trong buổi làm việc tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã nêu quan điểm, người từ 16 tuổi trở lên, khi điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cc hoặc xe máy điện phải có giấy phép lái xe. 

Trên thực tế, quan điểm của ông Khuất Việt Hùng không mới bởi trước đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối năm 2023, nhiều đại biểu quốc hội đã đưa ra kiến nghị người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối phải sát hạch cấp bằng lái.

Các ý kiến cho rằng, xe máy dưới 50 phân khối đang là phương tiện phổ biến được các em học sinh sử dụng khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50 phân khối và không phải qua sát hạch lái xe.

Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều vụ tai nạn xảy ra liên quan đến xe máy dưới 50 phân khối do học sinh và những người từ 16 – 18 tuổi điều khiển đã làm dấy lên mối lo ngại về việc lâu nay chúng ta vẫn bỏ trống những quy định cụ thể về đào tạo và kỹ năng cần có đối với người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối.

Trở lại với ý kiến mới đây của Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, ông đưa ra con số thống kê khiến nhiều người không khỏi chú ý để lý giải cho quan điểm của mình. Đó là, thống kê năm 2023 cho thấy có khoảng 2.300 người dưới 18 tuổi thương vong do tai nạn giao thông, trong đó có hơn 1.000 người chết. Đặc biệt, có tới 80% nhóm này rơi vào tuổi 15 cho đến dưới 18. Và đa số là nạn nhân đều tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

“Trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi thường điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc hoặc xe máy điện, chúng tôi tha thiết đề nghị có giấy phép lái xe. Có thể gọi là giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ cũng được” – ông Khuất Việt Hùng nói và tiếp tục đề nghị cần phải tổ chức sát hạch giấy phép lái xe cho cho đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi như sát hạch giấy phép lái xe hạng A1, đồng thời phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy.

Đề xuất người từ 16 tuổi đi xe máy dưới 50 phân khối phải có bằng lái đã gây ra những ý kiến trái chiều của giới chuyên gia. Trước hết, phần đông ý kiến bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất này bởi đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, điều khiển xe máy hay bất cứ loại phương tiện giao thông nào đi ra đường cũng phải được trang bị kỹ năng và kiến thức đầy đủ. Mà điều đó chỉ có thể có được nếu trải qua khóa đào tạo và sạt hạch lái xe. Nhiều chuyên gia cho rằng, giao thông giờ đã không còn như xưa khi tốc độ phát triển hạ tầng cũng như bùng nổ số lượng phương tiện giao thông theo cấp số nhân.

Điều này khiến cho việc lái xe ra đường, kể cả loại xe có công suất và vận tốc thấp như xe máy dưới 50 phân khối cũng không còn đơn giản như trước. Muốn lái xe an toàn phải được trang bị kiến thức về phương tiện, về tình hình, quy luật giao thông và đặc biệt phải có đủ bộ kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đào tạo và sát hạch đối với người từ 16 tuổi trở lên đi xe máy dưới 50 phân khối là điều nên làm.

 

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe dưới 50 phân khối.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe dưới 50 phân khối.

 

Liệu có thật sự cần thiết?

TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất trên. Thậm chí ông còn cho rằng việc đào tạo và sát hạch bằng lái đối với người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối phải được làm từ lâu chứ không phải đến giờ mới nhắc tới.

“Xe máy dưới 50 phân khối dù tốc độ không cao nhưng với tình hình giao thông hiện nay, nhất là giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội thì khi tham gia giao thông vẫn có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do đó, người điều khiển loại phương tiện này cũng cần phải được đào tạo và sát hạch đầy đủ” – ông Nguyễn Xuân Thủy nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, đối với đối tượng là học sinh, sinh viên từ 16 – 18 tuổi, có thể cân nhắc chỉ cần trải qua khóa đào tạo, sát hạch về kiến thức giao thông cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện là được, không nhất thiết phải được cấp bằng lái.

Đồng quan điểm trên, TS Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông cho rằng, cần thiết phải tổ chức đào tạo và sát hạch đối với người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối. Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý rằng, việc sát hạch cần phải được giao cho các trung tâm đào tạo sát hạch thay vì để các trường học đội ngũ giáo viên trong nhà trường hiện nay không phải là những người có chuyên môn trong giảng dạy kỹ năng lái xe. Nếu giao trách nhiệm này về nhà trường vô hình trung sẽ tạo ra gánh nặng cho đội ngũ giáo viên.

Ở chiều ngược lại, cũng có không ít ý kiến cho rằng sát hạch bằng lái với người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối là điều không cần thiết. Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thành nêu quan điểm, xe máy dưới 50 phân khối có công suất không lớn, tốc độ không cao nên nguy cơ gây tai nạn giao thông sẽ không thể bằng các loại phương tiện có phân khối lớn hơn. Bởi vậy, việc quy định người đi loại phương tiện này phải được sát hạch bằng lái là không cần thiết và sẽ gây lãng phí.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành cũng đổng tình với quan điểm cần siết chặt công tác quản lý, giám sát và xử phạt đối với người điều khiển xe dưới 50 phân khối là đối tượng học sinh, sinh viên vi phạm các quy định của luật giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường phối hợp với nhà trường để tuyên truyền, giáo dục kiến thức về các quy định khi tham gia giao thông đối với học sinh.

Phân tích vấn đề trân góc nhìn pháp lý, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nhiều nước phát triển trên thế giới hiện không yêu cầu người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối phải sát hạch và có bằng lái.

Còn đối với đối tượng là học sinh trong nhà trường phổ thông cũng phải trải qua chương trình đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên đường, trong đó có việc điều khiển các xe máy dưới 50 phân khối. Cho nên, việc yêu cầu các em phải trải qua kỳ sát hạch bằng lái nữa (kể cả không cần được cấp bằng) mới được điều khiển xe dưới 50 phân khối ra đường cũng là điều không cần thiết.

 

Việc áp dụng quy định trên cần phải có lộ trình và tính toán các phương án cũng như hình thức thực hiện cho phù hợp, bởi đối tượng chịu tác động chủ yếu của quy định này là học sinh độ tuổi từ 16 - 18. Ngoài những quy định cứng thì việc tuyên truyền, giáo dục và có phương pháp tiếp cận hợp lý rất quan trọng. Khi áp dụng vào thực tế cần có lộ trình rõ ràng, căn cơ để tránh "sốc" vì sẽ tác động đến đối tượng còn ít tuổi, rất nhạy cảm – Chuyên gia giao thông, GS.TS Từ Sỹ Sùa