Trao 672 Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay 26/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Bộ LĐTB&XH tổ chức Lễ trao 672 Bằng Tổ quốc ghi công đợt 3 năm 2017 cho thân nhân liệt sĩ.

Đến dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện nhiều ban ngành, thân nhân của các liệt sĩ.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Tổ quốc và Nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống, sẽ luôn làm hết sức mình trong việc tìm mọi biện pháp, giải pháp để xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công (NCC), thân nhân của họ”.

Báo cáo công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC với cách mạng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin: Đến nay cả nước đã xác định trên 9 triệu NCC với cách mạng. Trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, bệnh binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị tù đày, 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học và hàng triệu NCC giúp đỡ cách mạng.

Đợt trao 672 Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân hôm nay, có nhiều hồ sơ tồn đọng từ khá lâu năm. Bởi vậy, tư liệu nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc bị mất nên các địa địa phương đã bằng mọi cách khai thác tối đa các nguồn tin. Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ tài liệu, sổ sách, quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan. Một số tỉnh phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến những đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ…

Buổi lễ hôm nay, chúng ta day dứt khi 148 trường hợp hy sinh cách đây trên 70 năm, thậm chí 86 năm. Cụ thể là cụ Phan Văn Viễn, sinh năm 1895 (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) hy sinh năm 1948 trên đường đi họp bị giặc pháp phục kích bắt giam và tra khảo, bắn chết do không khai báo. Cụ Nguyễn Văn Sớm, sinh năm 1900 (xã Chánh Hội, xã Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) là cán bộ tuyên truyền xã hy sinh năm 1931 khi đi tuyên truyền về Đảng đã bị địch phát hiện bắt giam tại nhà tù Côn Đảo và tra tấn đến chết…

“Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận trong dịp 70 năm kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ngành LĐTB&XH đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tham mưu với Đảng, Nhà nước về triển khai công tác xác nhận hồ sơ NCC còn tồn đọn tại các địa phương trong cả nước và đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhân.

Đây cũng là điều băn khoăn, trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm vừa qua, với biết bao thế hệ các bác, các chú, các anh, các chị đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng một số trường hợp vẫn chưa được xem xét công nhận do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành LĐTB&XH hơn lúc nào hết cần phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh vừa qua; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách để thực hiện việc xác nhận NCC với cách mạng. “Không để người hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được xác nhận là liệt sĩ, người bị thương chưa được xác nhận là thương binh. Qua đó, để phần nào bù đắp được những đau thương, mất mát của NCC và gia đình” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.