Trẻ sinh non dễ bị nhiễm khuẩn

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, sau sự việc 4 trẻ sơ sinh cùng tử vong trong một ngày tại Bệnh viện (BV) Sản nhi Bắc Ninh, 8 bệnh nhi trong tình trạng nặng đã chuyển lên điều trị tại BV Nhi T.Ư chiều 20/11.

Trưa 21/11, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư Trần Minh Điển đã thông tin đến báo chí về tình trạng 8 bệnh nhi này đồng thời đưa ra những khuyến cáo về tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ sinh non.

4/8 trẻ đang gặp nguy hiểm

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, cả 8 trẻ được chuyển lên đều là những trẻ sinh non trên nền các bệnh lý down, tim bẩm sinh, suy hô hấp, trong đó có 2 trẻ ngoài tuổi sơ sinh nhưng cũng nằm viện theo dõi từ lúc sinh ra. Ông Điển cho hay, 2 bệnh nhi ngoài tuổi sơ sinh không còn ở tình trạng nguy kịch đã được chuyển về Khoa Hồi sức cấp cứu để tiếp tục theo dõi, 6 bệnh nhi còn lại đang được theo dõi tại Khoa Sơ sinh và đều được nuôi dưỡng cách ly vì nghi ngờ nhiễm khuẩn. Đặc biệt, 4/6 trẻ nghi ngờ nhiễm khuẩn nặng đã có 1 trẻ được xác định dương tính với vi khuẩn gram âm.

Chăm sóc cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Hải Lý

Nhận xét về quy trình chăm sóc 8 trẻ này tại BV Sản nhi Bắc Ninh trước đó, bác sĩ Điển khẳng định, cách xử lý của các bác sĩ tại BV Sản nhi Bắc Ninh đều đúng quy trình điều trị từ chăm sóc đường thở, tuần hoàn, chế độ ăn, cách sử dụng kháng sinh phù hợp. Song tới đây, BV Nhi T.Ư sẽ xem xét hỗ trợ BV Sản nhi Bắc Ninh các vấn đề về phân bố, cách ly bệnh nhân tại đơn vị. Bên cạnh đó, BV Sản nhi Bắc Ninh cần tiếp tục chú trọng khâu vệ sinh BV; nâng cao kiến thức cho các bác sĩ, điều dưỡng kiến thức chăm sóc chuyên ngành y khoa; ý thức kiểm soát nhiễm khuẩn của cán bộ y tế và người nhà...

50% trẻ nhiễm khuẩn huyết tử vong

Trước nhận định ban đầu về 4 trẻ tử vong tại BV Sản nhi Bắc Ninh do sốc nhiễm khuẩn, bác sĩ Trần Minh Điển chia sẻ, tình trạng nhiễm khuẩn huyết thường xảy ra với những trẻ đẻ non, có hệ thống miễn dịch yếu, các cơ quan trong cơ thể chưa trưởng thành. Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhiễm khuẩn huyết khoảng 40 – 60%, thậm chí ở các nước chậm phát triển tỷ lệ này lên tới 80%. Tại BV Nhi T.Ư, tỷ lệ tử vong ở trẻ nhiễm khuẩn huyết đã được khống chế trong khoảng 50%. Những trẻ nghi ngờ nhiễm khuẩn phải được nuôi dưỡng cách ly, được sàng lọc, xét nghiệm để xác định loại vi khuẩn, từ đó sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp.

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm, trẻ sinh dưới 37 tuần được gọi là sinh non, ở nước ta nhiều trước hợp trẻ sinh ra chỉ 600 – 700 gram vẫn có thể nuôi được nhưng phải nuôi trong môi trường cực kỳ đặc biệt, phải theo dõi sát sao các chức năng sống như đường thở, tuần hoàn, đường ruột để có chế độ ăn hợp lý. Đặc biệt, môi trường nuôi phải cách ly để tránh nhiễm khuẩn tối đa.

Thực tế nhiều trường hợp trẻ sinh non nhẹ cân đã được cứu sống thành công. Như trường hợp bé Đặng Nguyễn Bảo Tr. sinh non 24 tuần, nặng 600 gram tại BV đa khoa Nghệ An vào tháng 4/2015 đã được nuôi dưỡng khỏe mạnh. Hay trường hợp của bé Gấu – con của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm (người mẹ từ chối điều trị ung thư khi mang thai để giữ con) sinh ra ở tuần thai 29, nặng 1,2kg cũng đã được nuôi dưỡng đặc biệt, đến nay, bé Gấu hoàn toàn khỏe mạnh.
Chiều 21/11, Hội đồng chuyên môn đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh. Theo đó, 4 trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai trên các bà mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý. Các trẻ đều có tình trạng suy hô hấp sau sinh, có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3 - 5 ngày điều trị, tiến triển đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ không có đáp ứng với các biện pháp điều trị chống sốc tại BV. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn BV.
Chiều 21/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc tại BV Sản nhi Bắc Ninh về vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong. Bộ trưởng yêu cầu BV Sản nhi Bắc Ninh kiểm soát quy trình chống nhiễm khuẩn tại khoa sơ sinh, khoa nội nhi, đặc biệt sàng lọc bệnh nhân để không xảy ra tình trạng quá tải tại khoa sơ sinh như hiện nay.