Triển khai cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh: Các chuyên gia khuyên tránh lạm thu

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/12, UBND TP Hồ Chí Minh đã có buổi họp với các sở, ngành và các chuyên gia kinh tế hàng đầu bàn về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố.

Các chuyên gia có chung nhận định, việc thí điểm cơ chế đặc thù phát triển thành phố là cơ hội để thành phố phát triển nhanh tuy nhiên cần làm một cách thận trọng để tránh tác dụng ngược.
Chánh Văn phòng UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết, yêu cầu là cần phải làm nhanh các đề án, đến tháng 4/2018 trình Thành ủy, đến tháng 6/2018 trình HĐND TP Hồ Chí Minh… Phải tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, giống như làm luật. Việc xây dựng các đề án về phí không chỉ xây dựng 1 - 2 loại phí mà phải có tầm nhìn; Danh mục các khu đất trên 10ha; Danh mục các dự án nhóm A vốn thành phố; Sắp xếp doanh nghiệp nhà nước…
Chuyên gia khuyên TP Hồ Chí Minh khai thác quỹ đất hiệu quả là con đường ngắn nhất để có vốn đầu tư cho hạ tầng.
Chuyên gia Trần Du Lịch cho biết: “Tôi có tham gia làm Nghị quyết 54 (cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh), Nghị quyết tạo điều kiện để thành phố phát triển nhưng thách thức nhiều, áp lực về thời gian lớn, đồng thời cũng có nhiều vấn đề hóc búa”.
Ông Trần Du Lịch cũng khuyến cáo cần thận trọng với một số vấn đề chẳng hạn, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia, môi trường, xăng dầu, ô tô… phải đánh giá kỹ tác động. Nhiều loại thuế phí có tác động tích cực nhưng có cả tiêu cực. Thành phố cần phải có đánh giá tác động động trước khi thông qua.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, chỉ ra một số vấn đề thành phố cần phải ưu tiên giải quyết trước đó là cải thiện hạ tầng. Quốc hội ban hành nghị quyết là hy vọng thành phố giải quyết được những bài toán yếu kém như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện… Ông Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ niềm tin: “Danh mục đề án chuyên gia thành phố đủ khả năng thực hiện”.
TS Huỳnh Thế Du cho rằng, phải tăng năng lực cạnh tranh của thành phố, tăng khả năng giải quyết việc làm… phải thu hút DN đến đầu tư; các nguồn lực sử dụng hiệu quả. Khai thác giá trị từ đất rất hiệu quả để phát triển hạ tầng. Phải xem đây là đề án chính để phát triển hạ tầng, giải quyết kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm… Phải tính khéo, phải biến thành phố thành chỗ trủng để thu hút chứ không phải chỗ cao nếu làm không tốt doanh nghiệp sẽ chạy hết sang địa phương khác… cho dù có tăng thuế phí nhưng tổng thu lại giảm.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cũng có góc nhìn khá giống với các chuyên gia khác về vấn đề tăng thuế phí. “Trước khi ban hành chính sách mới phải có đánh giá đến tác động, không chỉ về nguồn thu mà về tổng thể kinh tế xã hội. Chẳng hạn như thành phố muốn phát triển du lịch nhưng nếu đánh thuế rượu bia thì tác động đến số luợng du khách; chắc chắn một số mặt sẽ tăng thu nhưng sẽ giảm thu một số khu vực khác. Phải nhìn ra bức tranh tổng thể về thu chi để đánh giá nếu làm thay đổi chi tiết này thì ảnh hưởng như thế nào đến các chi tiết khác và cả bức tranh”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Trình - Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 54 nếu không khéo sẽ mất uy tín với nhân dân, chính phủ, quốc hội… Cần làm nhanh nhưng cần hơn là phải cẩn thận.