Triều Tiên có động thái "trả đũa" tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới Hàn Quốc

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hai tên lửa đạn đạo Triều Tiên phóng vào rạng sáng ngày 19/7 đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Quân đội Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Đông của nước này, chỉ vài giờ sau khi một tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân của Mỹ cập cảng Hàn Quốc lần đầu tiên sau 4 thập kỷ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết cả hai tên lửa được phóng vào rạng sáng ngày 19/7 đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 được phóng ở Triều Tiên vào ngày 13/7/2023. Ảnh: KCNA.
Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 được phóng ở Triều Tiên vào ngày 13/7/2023. Ảnh: KCNA.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng các vụ phóng tương tự. 

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên, coi đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng làm suy yếu hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên cũng như trên thế giới, đồng thời vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,” JCS cho biết trong một tuyên bố.

Tên lửa đầu tiên đạt độ cao 50 km và có tầm bắn 550 km, trong khi tên lửa thứ hai bay cao tới 50 km và di chuyển khoảng 600 km (372 dặm), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada trao đổi với báo giới.

Ông cho biết Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối các vụ phóng tên lửa thông qua các kênh ngoại giao.

Các vụ phóng thử diễn ra gần một tuần sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn Hwasong-18 mới nhất mà Bình Nhưỡng cho là lời cảnh báo đối với Mỹ và các đối thủ khác.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin rằng vụ phóng tên lửa hôm 19/7 diễn ra sau cuộc họp đầu tiên giữa Seoul và Washington của Nhóm tư vấn hạt nhân (NCG), nhằm tăng cường “cam kết răn đe mở rộng của Mỹ trong việc sử dụng toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân”.

Cuộc họp trùng hợp với sự xuất hiện của USS Kentucky tại một căn cứ hải quân ở Busan, “chuyến thăm cảng đầu tiên của một tàu ngầm chiến lược có năng lực hạt nhân (SSBN) của Mỹ kể từ USS Robert E. Lee vào tháng 3/1981”, Yonhap đưa tin.

Quân đội Mỹ cho biết đã có thông tin về các vụ phóng tên lửa vào sáng nay và đang tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đồng minh và đối tác.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng các vụ phóng dường như không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với Mỹ hoặc các đồng minh, nhưng các sự kiện này cho thấy tác động gây bất ổn của chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên.

Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul, cho biết vụ phóng mới nhất có liên quan nhiều hơn đến sự xuất hiện của tàu ngầm Mỹ và cuộc họp về sự răn đe mở rộng của Washington đối với Hàn Quốc.

Ông nói: “Bình Nhưỡng đang tìm cách khẳng định các mối đe dọa và cho thấy khả năng hạt nhân của mình đối với Hàn Quốc, đây là cách để họ phản đối Nhóm cố vấn hạt nhân của Seoul và Washington cũng như chuyến thăm của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Mỹ".