Triều Tiên: "Kết thúc chiến tranh không phải quân bài mặc cả"

Cẩm Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình Nhưỡng khẳng định kết thúc chiến tranh Triều Tiên là "việc đầu tiên, cơ bản nhất để xây dựng quan hệ Mỹ -Triều và hòa bình".

Triều Tiên hôm 2/10 khẳng định vấn đề tuyên cáo kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) “không bao giờ trở thành quân bài mặc cả” để Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa và nước này “sẽ không kỳ vọng điều đó” nếu Mỹ không muốn kết thúc chiến tranh, hãng thông tấn KCNA cho biết. 

 Lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9.

Trong một tuyên bố chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng tháng trước, lãnh đạo Triều Tiên  Kim Jong-un bày tỏ sẵn sàng “phá dỡ vĩnh viễn” khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có hành động tương thích.  

Ông Moon sau đó khẳng định, hành động tương thích bao gồm Mỹ tuyên cáo chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên.

Trong một bài xã luận đăng hôm nay, hãng KCNA khẳng định, vấn đề kết thúc chiến tranh “đáng ra đã được giải quyết từ nửa thế kỷ trước”, và gọi đây là “tiến trình căn bản và cơ bản nhất để thiết lập quan hệ Mỹ-Triều giai đoạn mới cũng như thúc đẩy hòa bình” trên bán đảo Triều Tiên “điều mà Mỹ cũng cam kết”, bản xã luận viết.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim nhất trí “xây dựng một đế chế ổn định hòa bình và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên, Washinton kỳ vọng Triều Tiên trước tiên phải hoàn thành việc kết thúc chương trình vũ khí và dần có các bước từ bỏ hạt nhân. .

"Triều Tiên đang có các động thái quan trọng và thực tế để thực hiện tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, tuy nhiên Washington đang tìm cách khuất phục chúng tôi bằng các lệnh trừng phạt", bài xã luận viết.

Theo đó, KCNA cũng khẳng định cơ sở hạt nhân Yongbyon là "cốt lõi chương trình hạt nhân" của Triều Tiên. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng việc phá hủy Yongbyon chỉ làm chậm quá trình sản xuất vật liệu phân hạch, nhưng không làm giảm trữ lượng plutonium và uranium làm giàu, cũng như không làm sáng tỏ nghi vấn về những cơ sở hạt nhân bí mật khác.