Trình Quốc hội Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/11, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Tập trung quy định các biện pháp phòng, chống tác hại
Theo Tờ trình của Chính phủ, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội. Trong khi đó, theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước năm 14 tuổi.

Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 7 chương và 38 điều, chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 2 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam, và các tác hại chủ yếu đến từ 2 loại sản phẩm này. Quy định như vậy cũng phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Dự Luật này tiếp cận dưới góc độ y tế công cộng nên tập trung quy định các biện pháp phòng, chống tác hại có liên quan chặt chẽ đến giảm cầu, giảm cung và giảm tác hại của rượu, bia.
Trong đó, đáng lưu ý, đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, dự thảo Luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của Luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành, nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia.
Về các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia, Dự Luật tiếp tục duy trì, kế thừa các biện pháp quản lý điều kiện, cấp phép đối với kinh doanh rượu (bao gồm cả sản xuất rượu thủ công vì mục đích kinh doanh). Sản phẩm bia không phải cấp phép mà quản lý theo điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đối với sản xuất rượu thủ công, Luật tiếp tục kế thừa các quy định phù hợp của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP. Sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép. Trong các quy định về bảo đảm chất lượng, an toàn; ghi nhãn rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, nhập lậu cũng đều có các quy định cụ thể, đặc thù và khả thi hơn về sản xuất rượu thủ công.
Tại quy định về bảo đảm an toàn đối với sản xuất rượu thủ công có giao trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp tỉnh; quy định biện pháp hướng dẫn người dân sản xuất rượu thủ công bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; vận động, tuyên truyền để người dân làm thủ tục cấp phép, đăng ký với UBND cấp xã; giảm dần, hạn chế hoặc chấm dứt sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh theo lộ trình đến 1/1/2023 và các biện pháp thanh tra, kiểm tra.
Cấm bán rượu bia trên internet có khả thi?
Báo cáo Thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh sự cần thiết kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao; có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về quy định không được bán rượu, bia trên internet, đa số thành viên Ủy ban đồng tình với dự thảo Luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia, thể hiện tính nhất quán trong chính sách, luật hóa quy định hiện hành và mở rộng đối với bia; đồng bộ với các quy định khác nhằm mục tiêu “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia. Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra không tán thành quy định này vì cho rằng không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử; chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên internet.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan (thương mại điện tử, thuế, bảo vệ người tiêu dùng…), đảm bảo mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban cũng cho rằng, dù theo phương án nào thì tính khả thi của quy định này phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở kinh doanh và cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới mang lại hiệu quả thực tiễn.
Về quản lý rượu thủ công, cơ quan thẩm tra nhất trí với quy định của dự thảo Luật nhưng cần đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính với lộ trình hợp lý nhằm tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe. Tuy vậy, quy định “Vận động các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh chấm dứt việc sản xuất rượu” không mang tính quy phạm nên sẽ khó phát huy được tác dụng trong điều chỉnh thực tiễn.
Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc theo hướng quy định cá nhân, tổ chức sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm và đăng ký việc sản xuất rượu với UBND cấp xã. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp.