Trợ lực cho xuất khẩu dệt may

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ còn gặp không ít khó khăn trong nửa cuối năm 2023. Do đó, khôi phục năng lực sản xuất, xuất khẩu, cải thiện năng lực cạnh tranh là nhóm giải pháp mà DN dệt may đang tập trung thực hiện.

"Điểm mặt" nguyên nhân khiến dệt may mất vị thế cạnh tranh

Thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), trong 6 tháng năm 2023, ngành dệt may tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xưởng may hàng xuất khẩu của Công ty CP May 10. Ảnh: Doãn Đức
Xưởng may hàng xuất khẩu của Công ty CP May 10. Ảnh: Doãn Đức

Bức tranh ảm đạm này là do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, hệ lụy từ thiệt hại do đại dịch Covid-19 cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ, tình trạng lạm phát kéo dài tại một số quốc gia khiến tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường lớn hầu hết đều sụt giảm đơn hàng.

Đơn cử như Mỹ tiếp tục giảm mạnh tới 27%, đạt 5,67 tỷ USD; EU giảm 7% so cùng kỳ, đạt 1,61 tỷ USD; Hàn Quốc giảm 6%, đạt 1,37 tỷ USD và Trung Quốc giảm 23% so cùng kỳ, đạt 1,27 tỷ USD.

Lý giải nguyên nhân khiến thị phần dệt may của Việt Nam sụt giảm tại những thị trường lớn, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị sa sút đến từ các yếu tố cả về vĩ mô và vi mô.

Về mặt vĩ mô, đồng tiền Việt Nam đồng ổn định, gần như không giảm giá so với đồng USD, trong khi đó các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu. Tiếp đó, DN Dệt may còn gặp khó khăn với lãi suất vay cao, bình quân ở mức 9 - 11% cao hơn 5 - 7% so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia. Ngoài ra, yếu tố logistics, chi phí tiền lương cao cũng là rào cản lớn đối với xuất khẩu dệt may Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh.

Nhà máy sản xuất sợi của Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex). Ảnh: Doãn Đức
Nhà máy sản xuất sợi của Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex). Ảnh: Doãn Đức

Về mặt vi mô, hiện nay hoạt động đầu tư máy móc, công nghệ mới của các DN trong ngành còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Mặt bằng chung công nghệ… như sợi chi số cao (sợi mịn), dẫn đến mất vị thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Đáng nói, các DN trong ngành dệt may vẫn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước, do đó vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Cần cơ chế khuyến khích đủ mạnh

VITAS nhận định, bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các DN còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu. Do đó, ngành dệt may đang chuyển dần sang khai thác thị trường nội địa nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ về giải pháp khắc phục khó khăn, Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 Thân Đức Việt cho hay: Để duy trì hoạt động, May 10 đang thay đổi, tổ chức lại sản xuất để làm những sản phẩm mà trước đây không phải là thế mạnh của mình. Đồng thời, May 10 đang tập trung khai thác và phát triển vào thị trường nội địa, đẩy mạnh tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ trong nước.

“Chúng tôi tập trung chính vào dòng thời trang công sở, dòng thời trang cao cấp dành cho nữ giới và thời trang nam cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại. Cùng với đó, công ty sẽ mở thêm chuỗi cửa hàng bán lẻ cả online và offline.” - ông Thân Đức Việt nói.

Cũng hướng vào thị trường nội địa, Tổng Giám Đốc Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) Lê Hùng cho biết: Hanosimex đang tập trung vào mảng sản xuất sản phẩm dệt kim với chất liệu sợi chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Đề cập về giải pháp gỡ khó cho ngành dệt may, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ DN một cách toàn diện như: Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất; hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, việc điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế tài chính theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu sẽ là động lực để thúc đẩy DN xuất khẩu trong thời gian tới như chính sách tiền tệ, chính sách thuế xuất khẩu, dịch vụ logistics.

Bộ Công Thương đồng hành cùng DN trong khai thác, mở rộng quan hệ, thị trường và khách hàng mới thông qua chương trình xúc tiến thương mại, tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký và có hiệu lực.

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, chuyển đổi số trong ngành dệt may có ý nghĩa rất quan trọng khi tăng tính liên kết để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Từ đó nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng trong ngành dệt may, minh bạch hóa các khâu để phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu và nhà mua hàng.

 

DN dệt may cần chính sách khuyến khích chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh, bền vững cũng như các gói hỗ trợ thuế đối với DN xanh, gói tín dụng ưu đãi cho công trình sản xuất xanh.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang