Trồi sụt giá vàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.135,39 USD/ounce vào cuối năm 2023. Tuy nhiên từ đầu tháng 1/2024, giá vàng lại có xu hướng đi xuống.

Vàng thế giới rơi vào “vùng giảm giá”

Giá vàng tăng vọt trong vài tháng cuối năm 2023 sau một đợt phục hồi mạnh mẽ được khơi dậy bởi hoạt động mua của các ngân hàng trung ương và mối lo ngại ngày càng tăng từ phía các nhà đầu tư về xung đột Israel -Hamas và Nga - Ukraine.

Đồng đô la Mỹ giảm và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất càng thúc đẩy giá vàng thỏi mạnh lên, đạt mức cao kỷ lục 2.135,39 USD/ounce trong tháng 12/2023. Giá vàng được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn trong năm nay.

Sau chu kỳ tăng giá, từ đầu tháng 1 đến nay, giá vàng thế giới chững lại và đi xuống, giảm xuống mức thấp nhất là 2.000 USD/ounce vào đầu tháng này. Nguyên nhân được cho là giới đầu cơ mạnh tay bán ra vì lo ngại kinh tế Mỹ đang tốt lên. Fed có thể chưa giảm lãi suất trong tháng 3/2024, tác động tiêu cực đến thị trường vàng.

Theo giới phân tích, nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đang khiến một số nhà đầu tư suy nghĩ lại về việc đặt cược lộ trình Fed cắt giảm lãi suất. Lãi suất cao đẩy chi phí cơ hội đầu tư vào vàng tăng lên, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại màu vàng.

Giá vàng trong nước có dấu hiệu tăng trở lại trong những phiên gần đây. Ảnh: Phạm Hùng
Giá vàng trong nước có dấu hiệu tăng trở lại trong những phiên gần đây. Ảnh: Phạm Hùng

Trong phiên giao dịch sáng 25/1, giá vàng thế giới giảm hàng chục USD/ounce bất chấp giá trị của đồng USD sụt giảm so với nhiều ngoại tệ khác. Lúc 7 h sáng (giờ Việt Nam) đứng tại 2.015 USD/ounce, giảm 15 USD so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 2.030 USD/ounce.

Dài hạn, vàng còn tăng kịch tính

Giới phân tích đánh giá xu hướng chính của giá vàng trong những ngày đầu năm mới tiếp tục là đi ngang và duy trì trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Hiện Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn tập trung vào mục tiêu số 1 là kéo lạm phát về mục tiêu 2%. Sau hơn 1 năm hạ nhiệt, lạm phát của Mỹ đã về dưới ngưỡng 4%, nhưng còn rất xa so với mục tiêu.

Dù vậy trong dài hạn, căng thẳng địa chính trị gia tăng, các ngân hàng trung ương còn là động lực chính thúc đẩy giá vàng vào năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục như vậy vào năm 2024.

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua ròng hơn 800 tấn vàng trong 3 quý đầu năm 2023, dẫn đầu là Trung Quốc. J.P. Morgan Research ước tính lượng mua của ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm 2024 sẽ đạt 950 tấn, trong đó Trung Quốc vẫn là nước mua với tốc độ ổn định. Con số này sẽ vượt quá số lượng mua trong cùng kỳ năm 2022, dẫn đến nhu cầu kỷ lục.

 

 

Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì NHNN không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa. Phải xem lại xem có nhất thiết phải độc quyền hay không. Có thể cho nhiều DN tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Bên cạnh đó, giao dịch vàng trên tài khoản thì người ta không nhất thiết phải mang vàng về nhà, không phải mất công cất trữ, vàng đó được lưu thông ở trên thị trường sẽ sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như bảo đảm lợi ích của mỗi người dân.
Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - GS.TS Hoàng Văn Cường

 

Cuộc xung đột ở Trung Đông vẫn tiếp tục nóng lên. Sự leo thang liên tục trong cuộc xung đột - dường như đã tràn sang Biển Đỏ, vẫn tạo ra một số nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn truyền thống. Thực tế trong năm 2023, vàng đã tăng khoảng 10% nhờ được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn sau khi cuộc chiến Israel - Hamas bùng nổ.

Báo cáo mới phát hành của Ngân hàng JPMorgan cho biết, giá vàng sẽ có xu hướng tăng trong trung hạn và dài hạn. Mức tăng của vàng sẽ kéo dài đến qua năm 2025.

“Bất kỳ đợt giảm giá vàng nào trong những tháng tới đều có thể mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội bắt đầu chuẩn bị cho một đợt phục hồi. Đây sẽ là yếu tố đóng góp quan trọng cho bất kỳ đợt tăng giá vàng nào vào năm 2024” - chuyên gia của JPMorgan nhấn mạnh.

JPMorgan dự báo, giá vàng sẽ tăng kỷ lục ở mức 2.175 USD/ounce, tương đương 65 triệu đồng/lượng vào quý IV/2024. Bước sang năm 2025, giá vàng có khả năng tăng lên 2.300 USD/ounce (68,7 triệu đồng/lượng) vào quý III/2025.

Vàng SJC ngược chiều với thế giới

Bất chấp giá vàng thế giới giảm, sáng 25/1, giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 76,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tăng thêm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, giao dịch phổ biến quanh mức 62,8 - 63,7 triệu đồng/lượng; vàng miếng SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, mua vào 74,2 triệu đồng/lượng, bán ra 76,5 triệu đồng. Mức chênh lệch mua bán lên đến 2,5 triệu đồng/lượng, cao gấp 3 lần khi thị trường “bình ổn”.

Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 59,024 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 15,2 triệu đồng/lượng.

Năm 2018 và 2019, giá vàng SJC trong nước ổn định quanh mốc 37 triệu đồng/lượng. Năm 2020, giá vàng SJC được đẩy lên 45 triệu đồng/lượng và đến tháng 8/2020, giá vàng SJC lần đầu chạm mốc 62 triệu đồng/lượng trước khi lùi lại mức 45 triệu đồng/lượng.

Năm 2021 giá vàng vẫn xoay quanh vùng giá 62 triệu đồng/lượng thì bước sang năm 2022, giá vàng SJC lập kỷ lục mới, chạm mức 74 triệu đồng/lượng. Vào tháng 12/2023, giá vàng SJC được đẩy lên 80,30 triệu đồng/lượng cho dù giá vàng thế giới gần như không biến động nhiều, chưa kể khoảng cách giá mua và giá bán lần đầu tiên vượt hơn 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng mạnh trong năm 2023 chủ yếu theo giá thế giới và sự hạn chế nguồn cung vàng trong nước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không cho nhập vàng từ năm 2014. Nguồn cung thấp dẫn tới chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng.

“Mặc dù SJC và các vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau nhưng đây là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên đấy là vàng được tin cậy. Tích lũy bao giờ cũng bảo đảm an toàn nhất nên người ta đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC.

Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng” - GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, phân tích tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 25/1/2024.

Mặc dù NHNN cho biết sẽ sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để ổn định thị trường vàng nhưng gần đây giá vàng vẫn có xu hướng tăng trở lại, thậm chí ngược chiều với thế giới.
Chuyên gia tại buổi tọa đàm cho rằng, thị trường vàng sẽ có diễn biến bất ngờ theo xu hướng tăng trong năm 2024 và phá vỡ các kỷ lục đã lập nếu như NHNN không cho nhập khẩu vàng.

 

 

Việc tăng mua vàng của các ngân hàng trung ương trong năm 2024 cũng được dự báo tương đương năm 2023 (khoảng 1.100 tấn). Vì thế, giá vàng được dự báo tiếp đà đi lên trong quý I/2024 và còn triển vọng tăng trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nhận định, xu hướng giá vàng năm 2024 tăng nhiều hơn giảm. Nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng, giá vàng trong nước điều chỉnh theo. Chỉ cần NHNN có thông tin tương lai sẽ cho phép nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất, giá sẽ xuống ngay. Chính vì vậy, ông Huỳnh Trung Khánh khuyến cáo các nhà đầu tư vàng nên thận trọng trong cả việc bán ra hay mua vào.