Trung - Ấn trong cuộc chiến giành quyền lực mềm

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào tháng trước, không mấy ai để ý về thông tin Ấn Độ thông qua khoản đầu tư 256 triệu USD để nâng cấp tuyến đường dọc biên giới với Myanmar ở khu vực hẻo lánh thuộc bang Manipur.

Tuy nhiên, thực chất đây là một phần trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, với kế hoạch đầy tham vọng trong việc xây dựng tuyến đường cao tốc dài 1.360km kết nối vùng đông bắc Ấn Độ với Thái Lan và Myanmar, qua đó từng bước tiếp cận thị trường khu vực Đông Nam Á. Giới chuyên gia nhận định thông qua dự án này, New Dehli đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm tranh giành tầm ảnh hưởng trong khu vực về chính trị và kinh tế với Bắc Kinh.
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Modi.
Chỉ tính riêng trong 2 năm trở lại đây, Ấn Độ đã đầu tư hơn 4,7 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực biên giới, trong đó bao gồm tuyến đường cao tốc sẽ kết nối thành phố Moreh ở bang Manipur tới các thành phố Tamu của Myanmar và Mae-Sot của Thái Lan.
Việc tiến độ thi công được đẩy nhanh trong thời gian qua cho thấy, sự cấp bách của Ấn Độ trong việc xây dựng một tuyến đường giao thương kết nối kinh tế làm đối trọng với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.
Xây dựng tuyến đường kết nối Ấn Độ - Thái Lan - Myanmar.
Theo đó, Bắc Kinh sẽ lên kế hoạch đầu tư hơn 500 tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia Á, Âu và Phi. Sáng kiến tham vọng này của Trung Quốc trong việc hình thành một mạng lưới các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên lục địa đã làm dấy lên lo ngại từ những quốc gia đối trọng như Ấn Độ, Nga, Mỹ và Nhật Bản. Đáng chú ý, một trong những điểm gây tranh cãi của sáng kiến này là việc đề xuất một hành lang kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan sẽ đi qua vùng Kashmir, khu vực hiện đang trong tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ông K. Yhome, chuyên gia cao cấp tại Quỹ Nhà quan sát Ấn Độ (ORF) nhận định: ”Với việc Trung Quốc đang có những lợi ích lớn trong khu vực, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đang lan rộng ra ngoài biên giới lãnh thổ”. Do đó, ông Yhome cho rằng, trong khi Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, Ấn Độ sẽ tiếp tục triển khai chính sách “Hướng Đông” của nước này. Theo ông Vijay Chhibber – nguyên Cục trưởng Cục Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ, kế hoạch xây dựng tuyến đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan đã có từ năm 2001. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, New Dehli đã đề xuất việc mở rộng dự án ban đầu để kết nối tới Việt Nam, Lào và Campuchia. Qua đó rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường thuỷ từ sông Mekong tới Ấn Độ, hỗ trợ tốt hơn cho việc tăng cường hợp tác giữa Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 
Tiếp nối những tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya, rõ ràng những căng thẳng gần đây trong mối quan hệ giữa 2 quốc gia này đã kéo New Dehli xích lại gần ASEAN. Về ngược lại, sự hiện diện của Ấn Độ sẽ là một đối trọng cần thiết giúp ASEAN cân bằng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực . Trong bối cảnh khu vực châu Á đang tiềm tàng nhiều bất ổn, ASEAN cần có những bước đi tỉnh táo để không bị cuốn vào những cuộc tranh chấp và tập trung vào các mục tiêu phát triển.