Trung Quốc cần học Nga cách vượt qua trừng phạt

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành công của Nga trong việc vượt qua các lệnh trừng phạt từ phương Tây thông qua phi đô la hóa và củng cố các đối tác thương mại có thể là một bài học quý giá cho Trung Quốc, theo giới phân tích.

Chia sẻ tại Bắc Kinh hôm 21/2, Ding Yifan, nguyên Phó giám đốc Viện Phát triển Thế giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cho biết: “Nga đã cung cấp cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý báu có thể học hỏi để đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính và kinh tế trong tương lai”. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Bất chấp chiến tranh ở Ukraine và áp lực lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng, nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng 3,6% trong năm ngoái, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích và đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ năm 2022, giai đoạn tổng sản phẩm quốc nội của nước này giảm 2,1%.

Đánh giá của chuyên gia Ding được đưa ra khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ ba và chưa có hồi kết.

Ngay sau khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh chủ chốt đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt tài chính và giới hạn giá dầu ở quy mô chưa từng có đối với Nga.

Đồng thời cũng cô lập các ngân hàng Nga khỏi hệ thống liên hệ tài chính toàn cầu Swift (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu), đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga và hạn chế dòng sáng kiến công nghệ quân sự chuyển tới Moscow.

Song nền kinh tế Nga đã không sụp đổ như phương Tây mong đợi. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách ở Moscow đã nhanh chóng vào cuộc bằng một loạt biện pháp, bao gồm kiểm soát vốn và các công cụ chính sách tiền tệ.

Đặc biệt, Moscow đã đẩy nhanh việc sử dụng các loại tiền tệ không phải đô la trong ngoại thương, đồng thời tăng cường đều đặn thương mại với các đối tác không thuộc phương Tây, điều mà ông Ding cho rằng có thể mang lại “những bài học quan trọng” cho Trung Quốc.

“Thương mại thông qua phi đô la hóa đã hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Nga và đảm bảo an ninh tài chính của nước này”.

“Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình huống tương tự, đặc biệt là trong những năm gần đây khi lời kêu gọi tách rời hoặc giảm rủi ro thương mại ngày càng tăng", chuyên gia này nhận định. 

Theo dữ liệu của cơ quan hải quan Nga, những nỗ lực của Moscow nhằm giảm việc sử dụng đồng USD trong thương mại dường như đã bù đắp áp lực từ phương Tây, cho thấy xuất khẩu năm 2023 của Nga sang châu Âu giảm 68% xuống còn 84,9 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang châu Á, tăng 5,6% lên 306,6 tỷ USD.

Thương mại của Nga với cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đạt đến tầm cao mới, lần lượt đạt 240 tỷ USD và 65 tỷ USD.

Mặt khác, đã có các cuộc thảo luận giữa khối BRICS gồm các thị trường mới nổi – với các thành viên bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi – về việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Trong khi đó, Nga đã tăng cường xuất khẩu năng lượng sang “các nước thân thiện”, chiếm khoảng 84% tổng xuất khẩu của nước này vào năm 2023, theo Phó thủ tướng Nga Alexander Novak.

Chuyên gia Ding cho biết điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của mối quan hệ ổn định giữa Moscow với các quốc gia đang phát triển.

Ông Ding cũng lưu ý rằng ngay cả khi đại đa số các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết năm 2022 của Liên hợp quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, không có quốc gia nào từ khu vực Nam bán cầu tham gia các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.

Theo chuyên gia này, thực tế trên đã đảm bảo rằng hoạt động thương mại của Nga có thể diễn ra suôn sẻ”. “Đây là một ví dụ mà Nga đã nêu ra về cách duy trì thương mại quốc tế phát triển trong bối cảnh bị trừng phạt tài chính”.

Ông Ding cũng lưu ý, khi giá trị đồng rúp đạt mức thấp mới vào năm 2022, Tổng thống Putin đã không quyết định vội bán ngoại tệ từ Quỹ tài sản quốc gia của Moscow để bảo vệ đồng tiền Nga, mặt khác ông yêu cầu các quốc gia thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp, giúp ổn định tiền tệ.

Tổng thống Putin cũng yêu cầu cho các công ty nước ngoài rời khỏi thị trường Nga phải bán tài sản của họ với giá bằng một nửa giá trị và trả 10% số tiền bán được cho nhà nước. Để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, Nga cũng tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư từ các nước “thân thiện”, trong đó có Trung Quốc.

Những động thái này đã giúp Nga tránh “đi theo lối chơi do phương Tây đặt ra” và cho phép nước này đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng nội địa, chuyên gia này cho biết.