Ngày 7/11, Trung Quốc đã yêu cầu các nhà xuất khẩu đất hiếm của nước này phải báo cáo các giao dịch liên quan đến kim loại này và những sản phẩm oxit có tầm quan trọng chiến lược khác.
Động thái này được cho là nhằm đảm bảo an ninh kinh tế cho quốc gia tỷ dân.
Việc nhập khẩu dầu thô, quặng sắt, tinh quặng đồng và phân kali cũng cần phải được báo cáo chặt chẽ, bao gồm các đơn đặt hàng, và thông tin lô hàng – Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Theo quy định mới, các thương nhân sẽ phải cung cấp báo cáo gồm một số nội dung như: nguồn gốc, ngày ký hợp đồng, số lượng, dữ liệu và các chi tiết khác của lô hàng, điểm đến, cảng để làm thủ tục hải quan.
Những yêu cầu, quy định và các cập nhật mới về báo cáo hàng hóa đã được Cục Thống kê Quốc gia quy định vào năm 2022 và sẽ tiếp tục kéo dài trong vòng 2 năm kể từ ngày 31/10/2023.
Việc thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu sẽ được giao cho Phòng Thương mại Trung Quốc về xuất nhập khẩu kim loại, khoảng sản và hóa chất (CCCMC).
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã yêu cầu phải báo cáo đối với 14 mặt hàng nhập khẩu gồm: đậu nành, dầu hạt cải, sữa bột, thịt lợn, thịt bò và đường. Đất hiếm là mặt hàng duy nhất nằm trong danh sách báo cáo xuất khẩu.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực then chốt như: quốc phòng hay phát triển năng lượng mới.
Từ lâu, nhiều chuyên gia đã suy đoán rằng chúng sẽ được sử dụng như một công cụ trả đũa của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trước đây, Bắc Kinh vẫn thường xuyên cung cấp cho người mua ở nước ngoài, bất chấp việc Washington luôn nỗ lực để gia tăng nguồn cung nguyên liệu này từ việc khai thác trong nước hay từ các đồng minh như Australia, Mông Cổ.
Tuy nhiên, nền kinh tế thứ hai đang ngày càng lo ngại về những thách thức tiềm năng khi nước này liên tục tăng cường nhập khẩu dầu thô, quặng sắt và đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, động thái trên được cho là để nhằm giảm thiểu rủi ro.