Trung Quốc đau đầu giải cứu thị trường bất động sản

An Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc đang cân nhắc sẽ nới lỏng hơn nữa các chính sách về nhà ở nhằm ngăn chặn sự sụt giảm trên thị trường bất động sản và phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, quốc gia tỷ dân cần phải đa dạng hóa nền kinh tế hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào ngành bất động sản.

Khủng hoảng dai dẳng

Từng là một trong những trụ cột của nền kinh tế, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc giờ đây vẫn chưa thoát khỏi “cơn bĩ cực” kể từ khi cuộc khủng hoảng ập đến vào năm 2021. Phần lớn cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như hậu quả của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng dân số chậm, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm hay các DN lâm vào cảnh nợ nần khi Chính phủ Bắc Kinh thắt chặt hoạt động vay nợ để đầu tư.

So với nửa đầu năm 2021, doanh số bán nhà dựa trên diện tích sàn tại Trung Quốc đã giảm gần một nửa trong 6 tháng đầu năm nay. Đồng thời, tỷ lệ đầu tư vào bất động sản cũng rơi vào tình cảnh tương tự, với mức giảm gần 20% trong tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Bất chấp việc giá nhà ở trong tháng 9 vừa qua tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước nhờ các chính sách nới lỏng của Trung Quốc, người dân nước này vẫn chưa dám mua hay đầu tư vào nhà ở do suy giảm niềm tin khi nhiều DN địa ốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng Trung tâm Greenland Vũ Hán, một tòa nhà chọc trời cao 636m ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Công nhân làm việc tại công trường xây dựng Trung tâm Greenland Vũ Hán, một tòa nhà chọc trời cao 636m ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Một khảo sát được Morgan Stanley công bố vào ngày 10/10 cho biết, hơn 80% hộ gia đình của Trung Quốc chưa sẵn sàng đầu tư vào thị trường nhà ở hoặc không chắc chắn về việc tham gia thị trường này trong tương lai gần. Trong số người tham gia cuộc khảo sát, 42% kỳ vọng giá nhà thấp hơn trong 12 tháng tới, và chỉ có 23% dự đoán giá sẽ tăng.

Nhấn mạnh sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, một quan chức nước này từng nói rằng ngay cả dân số 1,4 tỷ người của nền kinh tế số hai thế giới cũng không đủ lấp đầy những ngôi nhà đang bỏ trống trên toàn quốc.

Các chính sách hiện hành của Trung Quốc chưa thể vực dậy thị trường bất động sản khi giá nhà sụt giảm trên toàn quốc, khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% của Trung Quốc trong năm nay gặp nhiều thách thức. Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 2/10 đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2024 từ 4,8% vào tháng 4 xuống còn 4,4%.

Không những vậy, khủng hoảng bất động sản đang lan rộng sang các lĩnh vực khác như: tài chính, thương mại, du lịch, gây ra nguy cơ bùng phát một đợt suy thoái lớn trên diện rộng.

Trong đó, hệ thống ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc đang đối mặt với thách thức không thể thu hồi các khoản vay liên quan đến bất động sản hiện chiếm đến 40%. Áp lực khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng bất động sản khiến hàng chục nhà phát triển hàng đầu rơi vào tình cảnh vỡ nợ hoặc không thanh toán được trái phiếu nước ngoài, đứng đầu là China Evergrande với tổng khoản nợ lên đến 329 tỷ USD, tiếp theo là Country Garden, với khoản nợ 191,7 tỷ USD. Evergrande hiện đang nộp đơn bảo hộ xin phá sản tại Mỹ.

Khủng hoảng bất động sản cũng khiến người dân ít chi tiêu hơn do giá nhà đất sụt giảm ảnh hưởng đến các khoản tiết kiệm của họ, đồng thời buộc chính phủ và DN Trung Quốc cắt giảm các công việc liên quan đến thị trường nhà đất như: thiết kế, xây dựng khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Nỗ lực bình ổn thị trường

Không để tình trạng suy thoái bất động sản ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp nới lỏng như: giảm lãi suất cho vay để mua và đầu tư nhà ở, hạn chế các khoản trả trước nhằm giúp giá nhà tăng trở lại. Theo đó, từ ngày 25/9, các hộ gia đình sẽ thương lượng với người cho vay để giảm lãi suất thế chấp xuống gần mức cơ bản 4,2%.

Bên cạnh đó, vào tháng 8/2023, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện những chính sách nhằm khuyến khích người dân mua nhà như: giảm tỷ lệ trả trước tối thiểu khi mua căn nhà thứ nhất và thứ hai xuống 20% và 30%. Những người mua căn nhà đầu tiên ở một khu vực sẽ được xem là lần mua đầu, bất chấp việc họ đã sở hữu bất động sản ở những nơi khác.

Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 15/8 đã tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách lần thứ hai trong 3 tháng nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến ngay cả khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ vào cuối năm 2022.

Chính quyền địa phương trên toàn quốc lần lượt nới lỏng các quy định nhằm cho phép thêm nhiều người lao động nhập cư từ khu vực nông thôn được xây nhà ở, thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hơn cũng như đẩy mạnh chi tiêu cho nhà ở.

 

Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc của The Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: “Việc hạ cánh cứng trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa cho thấy kết quả khả quan, đồng nghĩa với việc một cuộc suy thoái kinh tế phần lớn bắt nguồn từ lĩnh vực này vẫn có nguy cơ tiếp diễn vào năm 2024”.

 

Chính phủ đã tăng cường các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế như: bơm thêm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng, hạ lãi suất cơ bản, đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu địa phương hay hỗ trợ cho các hoạt động chi tiêu của hộ gia đình.

Những bài học để đời

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng bất động sản để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Thứ nhất, việc Trung Quốc dồn quá nhiều nguồn lực vào thị trường bất động sản khiến giá nhà ở và các loại nhà khác tăng vọt, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo đáng kể, khiến giấc mơ sở hữu nhà ở của người dân Trung Quốc ngày càng xa vời.

Thứ hai, tham vọng phát triển bất động sản dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở, góp phần tạo ra vô số “thành phố ma” với hàng loạt căn nhà bỏ hoang. Không những vậy, việc tập trung quá nhiều một lĩnh vực sẽ khiến Trung Quốc bỏ qua những lĩnh vực tiềm năng khác có hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn, cản trở sự đổi mới và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.

Thứ ba, gánh nặng nợ chồng chất đang đẩy nhiều tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc đến bờ vực phá sản. Nhằm tăng cường nguồn đầu tư cho các dự án và phát triển cơ sở hạ tầng, chính quyền địa phương, các nhà phát triển bất động sản buộc phải vay những khoản vay khổng lồ từ ngân hàng, dẫn đến áp lực về nợ.

Thứ tư, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào bất động sản này đang cản trở quá trình chuyển đổi của quốc gia tỷ dân sang một nền kinh tế cân bằng và hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng hơn. Để đạt được sự tăng trưởng bền vững và toàn tiện, việc đa dạng hóa và giảm sự phụ thuộc vào bất động sản là vô cùng quan trọng.