Trung Quốc kêu gọi ASEAN phản đối kế hoạch xả thải của Nhật Bản

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Kinh đã kêu gọi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56, được tổ chức từ ngày 11 - 14/7 ở Jakarta (Indonesia), phản đối kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản từ nhà máy hạt nhân Fukushima.

Một bức ảnh chụp các thùng chứa nước nhiễm hạt nhân tại nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào tháng 10/2020. Ảnh: VCG
Một bức ảnh chụp các thùng chứa nước nhiễm hạt nhân tại nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào tháng 10/2020. Ảnh: VCG

Theo Kyodo News, tại các cuộc tham vấn, Bắc Kinh cũng đã yêu cầu Indonesia - chủ tịch hiện tại của ASEAN - tránh sử dụng thuật ngữ "nước đã qua xử lý" trong tuyên bố chung của cuộc họp các ngoại trưởng, dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 14/7 tới.

Bác bỏ lập trường của Trung Quốc, Nhật Bản cho biết, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã kết luận trong một báo cáo được công bố hồi tuần trước rằng kế hoạch của Tokyo "phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường". Nước láng giềng Hàn Quốc cho biết họ tôn trọng kết quả đánh giá của IAEA.

Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện lực Tokyo Holdings Inc - công ty điều hành nhà máy Fukushima đặt mục tiêu bắt đầu xả nước ra biển trong mùa Hè này, sau khi nguồn nước đã trải qua quá trình xử lý để loại bỏ hầu hết các đồng vị, ngoại trừ triti.

Trung Quốc tuần qua đã chỉ trích báo cáo của IAEA không phản ánh đầy đủ quan điểm của tất cả các chuyên gia quốc tế tham gia đánh giá, đồng thời cảnh báo Tokyo không thực hiện kế hoạch xả thải. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/7 cũng ám chỉ việc mở rộng kiểm soát nhập khẩu của Bắc Kinh đối với thực phẩm Nhật Bản.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi hiện đang có chuyến thăm các nước láng giềng của Nhật Bản để bảo vệ báo cáo đánh giá của cơ quan giám sát hạt nhân. Tuy nhiên, ông Grossi nhấn mạnh báo cáo không đồng nghĩa với việc IAEA khuyến nghị hay tán thành kế hoạch của Nhật Bản.

Kế hoạch xả thải của Nhật Bản, được công bố lần đầu tiên vào tháng 4/2021, đã vấp phải sự chỉ trích đáng kể từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên và Đài Loan, cùng nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp quốc.

Mỹ ủng hộ đề xuất này sau nhiều năm thảo luận về việc xử lý hơn 1 triệu tấn nước được lưu trữ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima, sau thảm họa kép năm 2011.