Trung Quốc là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, bà Đặng Hương Giang trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10.

Đối tác trọng điểm

Tại hội nghị hợp tác hàng lang kinh tế 5 tỉnh, thành Việt Nam-Trung Quốc chiều 13/11, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, kể từ khi cơ chế hợp tác song phương thành lập năm 2004, mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước đã đạt nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy cơ chế hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Chính phủ hai nước.

Phiên thảo luận chủ đề Văn hóa, Du lịch, Y tế, Giáo dục trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10. Ảnh: Thanh Hải
Phiên thảo luận chủ đề Văn hóa, Du lịch, Y tế, Giáo dục trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10. Ảnh: Thanh Hải

Các bên đã và đang nỗ lực hợp tác khai thác hiệu quả về vị trí địa lý, phát huy lợi thế kết nối giao thông, thế mạnh của từng địa phương để cùng đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 sẽ góp phần nâng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam lên 5 tỷ USD.

Trong đó, "ngành du lịch Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng luôn coi trọng Trung Quốc là thị trường trọng điểm số 1 trong số các thị trường du lịch quốc tế hàng đầu gửi khách du lịch," Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, bà Đặng Hương Giang chia sẻ tại Hội nghị. 

Bên cạnh Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027 ký kết giữa  Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hoá Du lịch Trung Quốc ký, ở cấp địa phương, hợp tác du lịch giữa các tỉnh biên giới được đẩy mạnh triển khai thông qua Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang với Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, bà Đặng Hương Giang thông tin. 

Mới đây, tháng 3/2023 tại Hà Nội, Chính quyền châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch các tỉnh, thành phố Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động tuyến du lịch vàng “2 quốc gia - 6 điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam.

“Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện để các tỉnh dọc hành lang kinh tế Việt - Trung tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch,” bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Đề xuất chương trình "2 quốc gia nhiều điểm đến"

Tại Hội nghị, Đại diện Sở Du lịch tỉnh Lào Cai đề nghị tăng cường hơn nữa việc phối hợp thúc đẩy hợp tác phát triển sản phẩm du lịch theo Chương trình du lịch kiểu mẫu “2 quốc gia 6 điểm đến”, tiến tới trở thành sản phẩm du lịch 2 quốc gia nhiều điểm đến cũng như đề nghị chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các địa phương của Việt Nam hỗ trợ giải quyết nhanh chóng, thuận lợi nhất các thủ tục xuất, nhập cảnh cho khách du lịch.

Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất cho phép công dân Trung Quốc đi du lịch Việt Nam qua các cửa khẩu đường bộ; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm triển khai hình thức du lịch bằng xe tự lái với các điều kiện kèm theo của các tuyến “2 quốc gia 6 điểm đến”.

Trong khi đó, đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đưa ra đề nghị tăng cường hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch Di sản vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà tại thành phố Lệ Giang - Vân nam (Trung Quốc) và ngược lại. 

Ngoài ra Sở cũng đề xuất nghiên cứu mở thí điểm tuyến du lịch từ Di sản vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đến khu nghỉ dưỡng sinh thái Phổ Giả Hắc và các điểm du lịch của Châu Vân Sơn và trao đổi kinh nghiệm quản lý di sản và phát triển tour du lịch kết nối Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Di sản Văn hóa thế giới Phố cổ Lệ Giang.

Thành quả còn chưa tương xứng tiềm năng

“Trong bức tranh tổng thể hợp tác triển vọng chung giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, có thể khẳng định, tiềm năng hợp tác giao lưu văn hoá, phát triển du lịch, y tế, giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và các địa phương Việt Nam dọc hành lang kinh tế Việt - Trung với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng còn rất lớn,” bà Giang lưu ý. Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề xuất một số biện pháp tăng cường hợp tác hiệu quả thiết thực hơn nữa các tỉnh, thành phố dọc hành lang kinh tế giữa hai bên.

Về văn hóa, bà Đặng Hương Giang cho rằng, hai bên cần tăng cường hoạt động trao đổi đoàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý văn hoá; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá; bảo tàng, thư viện, điện ảnh; phát huy nguồn lực văn hoá xây dựng thành phố sáng tạo giữa hai Thành phố.

Về hợp tác du lịch, hai bên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch đi lại giữa hai nước, cũng như trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch…

Về hợp tác y tế, hai bên có thể tăng cường hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ y tế công, xây dựng chính sách, chiến lược, các giải pháp điều hành; phối hợp xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa các bệnh viện lớn, uy tín ở Thành phố Hà Nội và với các bệnh viện địa phương trong hành lang kinh tế Việt - Trung, xây dựng các đề án bệnh viện vệ tinh theo chuyên ngành…

Tỉnh Vân Nam coi trọng hợp tác với Việt Nam

Các đại biểu từ tỉnh Vân Nam cũng chia sẻ dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và sự nỗ lực vượt bậc trong triển khai các hợp tác giữa các bên, nhưng thực tế vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, năng lực của địa phương cũng như chưa đạt được nhu cầu mà hành lang kinh tế đặt ra, đồng thời đề xuất tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, chương trình và cơ chế hợp tác cụ thể hơn nữa.

Ông Dương Thiệu Hổ - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vân Nam cho biết trong thời gian qua, tỉnh Vân Nam đã tích cực đồng hành hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh trong công tác đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt, kinh nghiệm phát triển cửa khẩu, tổ chức thương nghiệp...

Trong khi đó bà Dương Hồng Quỳnh, đại diện Sở Giáo dục tỉnh Vân Nam cho biết, Sở rất coi trọng hợp tác với Việt Nam; đồng thời thông tin hiện tỉnh có 650 lưu học sinh Việt Nam, trong đó 43 sinh viên giành được học bổng chính phủ, 8 trường đại học mở chương trình dạy Tiếng Việt.

Những con số này kỳ vọng gia tăng hơn nữa trong thời gian tới, thông qua kế hoạch mở thêm các chương trình liên kết với các trường đại học Việt Nam, thường xuyên mời các giáo viên, sinh viên Việt Nam đến các diễn đàn hội thảo địa phương.