Trung Quốc nới lỏng hạn chế có giúp nhà đầu tư nước ngoài yên tâm?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bắc Kinh thực hiện nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về Covid-19 đáng lẽ là tin mừng đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, tuy nhiên số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng đang khiến nhiều người e ngại.

Một trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc. Nguồn: Reuters
Một trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc. Nguồn: Reuters

Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Trung Quốc đang sụt giảm một cách trầm trọng khi họ đang phải vật lộn với những khó khăn đến từ các đợt phong tỏa liên tục do Covid-19 và từ những hạn chế khi di chuyển trong vài năm đổ lại. Điều này khiến một số người rút lại các khoản đầu tư mới hoặc đe dọa sẽ rời khỏi thị trường đông dân này.

Tuần trước, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ nới lỏng các yêu cầu về kiểm dịch cũng như giảm bớt các hạn chế di chuyển, bỏ qua việc số ca nhiễm bệnh vẫn luôn duy trì ở mức cao trong nhiều tháng ở một số khu vực sản xuất phía nam tỉnh Quảng Châu.

Mặc dù tất cả mọi người đang vui mừng với sự nới lỏng này, nhiều nhà đầu tư châu Âu tại quốc gia này vẫn bày tỏ sự lo lắng khi sự gia tăng các ca nhiễm vẫn có thể khiến các quan chức quay trở lại với chính sách hạn chế trước đó.

"Chúng tôi không quá mừng rỡ đối với tin tức này mà dường như mọi thứ chỉ đang đi đúng hướng" - Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết - "Bạn sẽ luôn phải sống với nỗi sợ thường trực. Đó không hẳn là sợ hãi, mà đúng hơn là lo lắng về những điều xấu sắp xảy ra đối với bạn. Bạn sẽ không biết khi nào nó sẽ tấn công bạn cũng như các đối tác kinh doanh của bạn".

Giờ đây, Bắc Kinh đang phải tìm cách để cân bằng giữa rủi ro và ổn định. Việc để tình trạng lây nhiễm ngày càng gia tăng hay tiếp tục thắt chặt trở lại chắc chắn đều sẽ gây tổn hại đối với nền kinh tế số 2 thế giới vốn đang rệu rã do áp lực Covid-19 này.

Hai tháng phong tỏa đối với 25 triệu người dân Thượng Hải vào đầu năm nay và những hạn chế làm giảm sản lượng tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở trung tâm thành phố Trịnh Châu trong tháng này đã buộc Trung Quốc phải quyết liệt trong việc dập tắt sự bùng phát của dịch bệnh.

“Việc Chính phủ Trung Quốc làm gì để đối phó với số ca nhiễm đang ngày càng gia tăng có thể là phép thử tốt nhất cho tương lai của chính sách zero- Covid mà quốc gia này đang thực hiện,” ông Yanzhong Huang, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Hoa Kỳ, bày tỏ quan điểm trên Twitter.

Tuần này, số ca nhiễm hàng ngày đã vượt mốc 20.000 ca với các đợt bùng phát mạnh ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Trùng Khánh và Quảng Châu- nơi đang vô cùng bất ổn do chính sách phong tỏa cấp quận tại thành phố 19 triệu dân này.

Mặc dù, các lệnh đóng cửa hay hạn chế di chuyển đã gây ra những khó khăn cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như ổn định đời sống nhân dân, việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát cũng lại làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe từ phía người dân tại thành phố Thạch Gia Trang phía bắc  nước này và nhiều nơi khác.

Mặc dù số lượng ca nhiễm của Trung Quốc vẫn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng quốc gia này đã áp dụng những biện pháp vô cùng quyết liệt để dập tắt dịch bệnh, ngay cả đối với những đợt bùng phát nhỏ.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Hợp Phì phía đông tỉnh An Huy kêu gọi người dân có thể tổ chức tiệc cưới bất cứ lúc nào nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương, nhưng họ cũng cho biết cần phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống Covid-19.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết họ vẫn đang khá mờ hồ trong việc điều chỉnh phản ứng với các đợt bùng phát Covid-19 và bỏ ngỏ khả năng nới lỏng hơn nữa hoặc ngược lại, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy sự thất vọng của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, những doanh nghiệp này nhận được ngày càng nhiều lời mời đầu tư từ các quốc gia khác. Đáp lại những hành động đó, chính quyền địa phương đang tích cực giúp đỡ các nhà đầu tư nước ngoài và gia đình của họ trong sắp xếp việc đi lại cũng như hỗ trợ các công ty đa quốc gia thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển.

“Những động thái trên có thể làm giảm bớt những lo ngại đối với chính sách đối với Covid-19 của Trung Quốc. Tuy nhiên, những thay đổi này cũng chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ, trừ khi có một sự thay đổi đáng kể hơn trên phạm vi toàn quốc," nhà kinh tế học Natixis Gary Ng cho biết.