Trung Quốc tính cứu nguy bằng 200 tỷ USD?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc dự kiến cho phép một số chính quyền địa phương khai thác kế hoạch phát hành trái phiếu mới để hỗ trợ thanh toán các khoản nợ do các nhà phát triển cơ sở hạ tầng đang gặp khó khăn nắm giữ.

Tại một khu thương mại ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tháng 10/2022. Ảnh: AP
Tại một khu thương mại ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tháng 10/2022. Ảnh: AP

Theo Caixin, quy mô của chương trình trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt sẽ là 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 206 tỷ USD). Động thái này thể hiện nỗ lực mới nhất của Chính phủ Bắc Kinh nhằm xoa dịu những rủi ro liên quan đến nợ của chính quyền địa phương.

Phần lớn khoản nợ tiềm ẩn này bắt nguồn từ cơ chế LGFV (Local Government Financing Vehicles) - được thiết kế theo hình thức là một công ty đầu tư phát hành trái phiếu để tài trợ cho việc phát triển bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng khác của địa phương.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính dư nợ LGFV sẽ lên tới 65 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm nay, tương đương 53% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc và 85% GDP khi cộng với các khoản nợ của chính quyền địa phương.

Hội đồng Nhà nước - nội các Trung Quốc - nói rằng trái phiếu chính quyền địa phương là con đường gây quỹ hợp pháp duy nhất cho các chính quyền địa phương.

Trên thực tế, các địa phương đã gây quỹ thông qua LGFV để hỗ trợ hoạt động kinh tế, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng. Tình trạng dư thừa đường cao tốc không được sử dụng và các dự án không mang lại lợi nhuận khác hiện đã làm dấy lên lo ngại về khả năng vỡ nợ ở một số khu vực.

Chương trình trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt của Bộ Tài chính Trung Quốc được cho sẽ nhằm giảm bớt rủi ro này. Các ngân hàng thương mại trong nước đóng vai trò là tổ chức bảo lãnh chính cho các trái phiếu này, thay thế khoản nợ của các LGFV thiếu tiền mặt.

Cũng theo Caixin, các khu vực được phép khai thác công cụ gây quỹ này sẽ bao gồm các TP lớn như Thiên Tân và Trùng Khánh, cũng như các tỉnh Quý Châu và Vân Nam. Tất cả những địa phương này đều đang đối mặt với áp lực nợ LGFV nặng nề.

Do trái phiếu mới được chính quyền địa phương trực tiếp phát hành nên lãi suất vay dự kiến ​​sẽ thấp hơn so với trái phiếu phát hành bằng LGFV, giúp giảm bớt gánh nặng lãi suất. Chúng cũng sẽ có thời hạn mở rộng, tạm thời giảm bớt căng thẳng trả nợ đối với chính quyền địa phương đang vật lộn với dòng tiền yếu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được cho cũng đang xem xét hỗ trợ dòng tiền cho LGFV thông qua các ngân hàng thương mại như một bước tiếp theo để hạn chế rủi ro vỡ nợ.

Theo Nikkei Asia, giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại khó khăn tài chính của chính quyền địa phương có thể lan rộng và tạo ra rủi ro hệ thống tài chính trên diện rộng. Tại cuộc họp vào tháng 7 vừa qua, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cam kết các biện pháp giảm nợ toàn diện.

Chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực. Doanh thu từ việc bán quyền sử dụng đất vốn từng ngang bằng với doanh thu thuế của địa phương nay đã giảm mạnh do thị trường bất động sản sụt giảm. Doanh thu ước tính đã giảm 45% trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 7 năm nay so với cùng kỳ 2 năm trước đó.

Căng thẳng tài chính nghiêm trọng ở các cấp địa phương không chỉ gây rủi ro lớn cho các ngân hàng Trung Quốc, mà còn hạn chế khả năng thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng các dịch vụ công của Chính phủ.