Trưởng đại diện AHK gợi ý hai lộ trình mở cửa cho Việt Nam giữa đại dịch

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam đã trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị những sáng kiến giúp Việt Nam mở cửa kinh tế hiệu quả và an toàn, nhằm thích nghi với đại dịch Covid-19.

Đại dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong thời gian qua, thưa ông?
Chúng tôi nhận thấy đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến khó lường và ngày càng lan rộng ở Việt Nam. Việt Nam đã ứng phó tốt với dịch Covid-19 ngay từ đầu, ngăn chặn sự lây lan của nó. Thật không may, virus corona vẫn là thách thức nghiêm trọng đối với toàn xã hội.
Nhiều công ty Đức đã bày tỏ lo ngại trước những ảnh hưởng của đợt bùng phát hiện nay đến hoạt động kinh doanh, do hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển giữa các tỉnh và thành phố. Việc này làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực quan trọng của các DN Đức, bao gồm xây dựng, ô tô, bán buôn và bán lẻ, công nghiệp dược phẩm, vận tải-hậu cần và kỹ thuật.
Theo khảo sát của AHK, các doanh nghiệp Đức gặp khó khăn do các nút thắt trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như giá đầu vào cao hơn, thời gian chờ đợi lâu hơn, thậm chí là gián đoạn sản xuất.  Do đó, hầu hết họ đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hóa nhà cung cấp, tăng giá sản phẩm hoặc tăng lượng hàng tồn kho.
 Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam
Cùng với việc tăng tốc tiêm chủng, ​​ông có đề xuất gì trong quá trình Việt Nam mở cửa nền kinh tế một cách hiệu quả và an toàn, dưới góc độ cộng đồng DN nước ngoài tại Việt Nam?

Chiến lược phục hồi và nối lại hoạt động kinh doanh phải dựa trên những kết quả kiểm soát dịch bệnh của chính phủ cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu, cấp thẻ xanh cho những người được tiêm chủng đầy đủ và cho phép họ tiếp tục các hoạt động kinh tế và giao tiếp xã hội trong một số lĩnh vực nhất định là những biện pháp quan trọng nhất.
Chính quyền Việt Nam nên xem xét nới lỏng một số quy định về khoảng cách xã hội ở các tỉnh lớn phía Nam, đặc biệt là tâm dịch Covid-19 lớn nhất cả nước - Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên tốc độ tiêm chủng và năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trong giai đoạn thứ hai, chính quyền địa phương nên cho phép các lĩnh vực kinh doanh thiết yếu khác hoạt động trở lại dựa trên mức độ rủi ro phơi nhiễm Covid-19 và cam kết tuân thủ các biện pháp phòng ngừa 5K.
Theo đó, việc dỡ bỏ các hạn chế di chuyển giữa các tỉnh sẽ tạo điều kiện cho một chuỗi cung ứng hiệu quả hơn trên toàn quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại đáp ứng cung và cầu. Ngoài ra, việc cấp giấy thông hành vaccine thành công sẽ có tác động lớn đến dòng chảy hoạt động thương mại ra nước ngoài và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm năng và chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
Với nền kinh tế nhanh nhẹn và linh hoạt cũng như khả năng thích ứng nhanh chóng với tốc độ đổi mới sản phẩm ngày càng tăng, chúng tôi tin rằng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ phục hồi dần dần một cách an toàn.
 
Cụ thể, ông có thể gợi ý một số biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy lĩnh vực thương mại và công nghiệp trong giai đoạn đầu mở cửa kinh tế trở lại cho Việt Nam?
Trước mắt cần tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ ngắn hạn cho các DN như duy trì việc làm, điều chỉnh hệ thống thuế và cung cấp tính thanh khoản, hỗ trợ để ngăn chặn họ đóng cửa hoặc phá sản. Một số sáng kiến để mở cửa kinh tế và phục hồi trong thời điểm ban đầu mở cửa mà tôi nghĩ chính quyền có thể xem xét đó là:
Thứ nhất, triển khai các chiến dịch kích thích kinh tế quy mô địa phương, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách nên đầu tư vào tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang giai đoạn hậu đại dịch, bao gồm tái phân bổ lao động, đào tạo nghề, đào tạo nâng cao kỹ năng.
Thứ ba, ưu tiên mở cửa trước cho các ngành như: Chăm sóc sức khỏe, tiện ích, nông nghiệp, sản xuất, hành chính công và quốc phòng, thông tin và truyền thông và tài chính; dịch vụ bảo hiểm.
Thứ tư, thực hiện các chiến dịch truyền thông để khuyến khích thương mại điện tử.
Ông đánh giá thế nào về việc thông tin và triển khai hộ chiếu vaccine tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nước ngoài?
Việc thực hiện hộ chiếu vaccine đã được chấp thuận ở nhiều quốc gia để cho phép người dân tự do đi lại và tham dự các sự kiện quy mô lớn. Do Covid-19, hộ chiếu vaccine có thể được yêu cầu sử dụng bên cạnh hộ chiếu vật lý hợp lệ và thị thực cho khách du lịch. Từ tháng 7, Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm hộ chiếu vaccine và du khách nước ngoài đã tiêm vaccine sẽ chỉ phải cách ly trong 7 ngày.
Với việc triển khai thành công hộ chiếu vaccine, Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài và đang từng bước mở cửa biên giới cho các nhà đầu tư nước ngoài có chứng chỉ tiêm chủng được tiếp tục phát triển và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Trong cuộc khảo sát gần đây của AHK, 67% công ty Đức đang có kế hoạch tìm kiếm các nhà cung cấp mới hoặc bổ sung ở các quốc gia khác, chủ yếu ở Châu Á - Thái Bình Dương. Với việc không bị hạn chế đi lại và các quy định điều chỉnh về nhập cư, các nhà đầu tư và DN Đức có nhiều khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và hy vọng sẽ phát triển thịnh vượng tại đây.
Chúng tôi tin rằng hộ chiếu vaccine sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược phục hồi của Việt Nam trong tương lai gần.
Xin cảm ơn ông!
"Theo quan điểm và bài học kinh nghiệm từ Đức, việc triển khai tiêm vaccine đóng vai trò thiết yếu để kiểm soát đại dịch ở Việt Nam. Hiện tiêm chủng quy mô lớn là biện pháp hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu kép là ngăn chặn đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
 Hơn nữa, khi số lượng các ca lây nhiễm trong cộng đồng đang gia tăng liên tục bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt về khoảng cách xã hội như chỉ thị 16 và tác động to lớn của việc đóng cửa các DN trên toàn quốc đối với toàn bộ nền kinh tế, việc số lượng lớn lực lượng lao động được tiêm chủng là cách duy nhất để DN mở cửa trở lại một cách an toàn và đóng vai trò sống còn trong việc vực dậy nền kinh tế."