Xét xử vụ án xảy ra tại PVC: Truy số tiền thiệt hại gần 120 tỉ đồng

Đạt Lê - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phiên tòa sáng 10/1 xét xử ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm tiếp tục diễn ra. Các luật sư đã hỏi các bị cáo để làm rõ về cách tính giá trị thiệt hại gần 120 tỉ đồng trong vụ án xảy ra tại Công ty CP xây lắp dầu khí (PVC).

Ông Đinh La Thăng ca ngợi thuộc cấp có trách nhiệm
Theo cáo trạng truy tố, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Phùng Đình Thực đã cùng bị cáo Đinh La Thăng có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo TGĐ Công ty CP Điện lực Dầu khí (PV Power) ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, các bị cáo chỉ đạo cấp dưới tại Tập đoàn PVN và Ban Quản lý dự án (QLDA) căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119,804 tỉ đồng.
Luật sư Đinh Anh Tuấn bảo vệ cho bị cáo Phùng Đình Thực hỏi bị cáo Đinh La Thăng, vì sao lại nhiều văn bản chuyển cho Phó TGĐ Nguyễn Quốc Khánh mà không chuyển cho Tổng giám đốc Phùng Đình Thực? Ông Đinh La Thăng trả lời, khi nhận được văn bản, căn cứ vào phân công của TGĐ liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để chuyển cho Phó TGĐ phụ trách.
 Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa. (ảnh: Congly.vn)

Nhận định về cấp dưới, ông Thăng nói ông Thực đã thực hiện hết trách nhiệm của mình. Sau đó, luật sư Tuấn tiếp tục hỏi: "Bị cáo có thể cho biết, căn cứ vào đâu đưa ra nhận xét đó". Trước câu hỏi này, ông Thăng nói rằng, bị cáo có hơn 5 năm làm Chủ tịch Hội đồng PVN, bị cáo đánh giá anh Thực là người có trách nhiệm, tận tâm, tâm huyết với công việc, rất quyết liệt. Đối với dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, anh Thực đã có triển khai Nghị quyết chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo, có phân công trách nhiệm Phó TGĐ. Khi các Phó TGĐ, ban chuyên môn có báo cáo công việc liên quan đến dự án Thái Bình 2, anh Thực đều giải quyết kịp thời, theo đúng thẩm quyền.
Luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó TGĐ PVN và Lương Văn Hòa) tiến hành hỏi giám định viên về kết luận giám định xác định PVC và PVN thiệt hại gần 120 tỉ đồng từ hành vi chi - sử dụng sai hơn 1.115 tỉ đồng dùng cho thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo cáo trạng, giám định viên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận, thiệt hại do việc PVN và Ban QLDA Thái Bình 2 tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng là hơn 51,6 tỉ đồng.
Thiệt hại trực tiếp do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỉ đồng (trong tổng số tiền tạm ứng trên) gây ra với PVN là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ tháng 10.2011 (thời điểm đủ điều kiện tạm ứng) đến 3/2012 (thời điểm PVN đòi tiền PVC) là hơn 68 tỉ đồng.
Trả lời các câu hỏi của luật sư Hùng, giám định viên khẳng định: “Chúng tôi giám định trên cơ sở trưng cầu của cơ quan điều tra. Các giám định thực hiện theo đúng luật giám định. Việc xác định thiệt hại việc chi và sử dụng tiền tạm ứng trong nội dung trưng cầu giám định được giám định viên trả lời, vi phạm điều 72 Luật Doanh nghiệp và Nghị định 48, được thể hiện trong kết luận giám định thành phần và giám định chung”.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN (án sơ thẩm tử hình trong vụ OceanBank) khẳng định, tiền dùng để tạm ứng cho PVC nằm trong tài khoản thanh toán, lãi suất chỉ khoảng 2%; giám định viên tính thiệt hại bằng lãi suất bình quân tài khoản tiền gửi đầu tư 14% để ra thiệt hại là không chính xác. Theo bị cáo Sơn, không ai chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản đầu tư…, lúc nhận bản kết luận giám định, bị cáo đã phản ứng ngay. Từ đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đề nghị giám định và xác định thiệt hại lại, chính xác hơn.
Tại tòa, ông Đinh La Thăng khai thêm: “Quá trình điều tra, CQĐT có đưa cho tôi bản giám định của các cơ quan. Do thời gian rất gấp, cuối giờ mà quy định của trại T16 là không làm việc nữa nên bị cáo không có điều kiện đọc. Bị cáo tôn trọng giám định của Bộ Tài chính nhưng đề nghị xác định lại giá trị thiệt hại của vụ án nhất là cách tính giá trị thiệt hại bao gồm lãi suất tối thiểu”.
Mâu thuẫn lời khai về Hợp đồng số 33
Tại tòa, luật sư hỏi ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng giám đốc PVPower về bản hợp đồng 33 của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Vũ Huy Quang đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhấn mạnh: PVPower sẵn sàng nhận dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ PVN. Đối với PVPower, tuy còn non trẻ nhưng đội ngũ kỹ sư, công nhân đã có thời gian phục vụ đơn vị và hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện dự án.
 Toàn cảnh phiên tòa xét xử.

Về việc soạn thảo Hợp đồng 33 thiếu căn cứ, thủ tục, ông Quang cho biết: “Tôi ký Hợp đồng 33 trong bối cảnh bị thúc ép tiến độ của tập đoàn, yêu cầu ký hợp đồng trước ngày 28/2/2011 và Tập đoàn có 3 văn bản chỉ đạo yêu cầu PVPower ký hợp đồng”. Ông Quang giải thích, với thúc ép bằng văn bản cụ thể của tập đoàn, do ông Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN ký vào ngày 10/2/2011, 21/2/2011. Trong những văn bản đó yêu cầu hoàn tất hợp đồng và ký Hợp đồng số 33. Văn bản của tập đoàn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và làm đúng quy định pháp luật.
Theo ông Quang, trong Hợp đồng 33, không có mục tiêu nào khác, việc ký chỉ để khởi công và trong hợp đồng ghi rất rõ hiệu lực hợp đồng. Đặc biệt, khi Hội đồng thành viên chưa phê duyệt chứng to hợp đồng chưa đủ hiệu lực. Và vì hợp đồng thiếu căn cứ nên hợp đồng không có giá trị pháp lý. Đặc biệt, trong phần trả lời những câu hỏi của luật sư, ông Quang cho biết trước khi ký đã báo cáo tập đoàn bằng 3 văn bản, nêu các vấn đề khó khăn, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý phải mất 6 tháng. Ngoài ra, ông Quang cũng nêu rằng: “Nếu ký hợp đồng thì chỉ có thể ký được vào trung tuần tháng 6/2011, nhưng tập đoàn vẫn chỉ đạo ký trước đó 28/2/2011”.
Vị TGĐ PVPower cho rằng, nhiều bị cáo nói không biết những thiếu sót của Hợp đồng 33 là không đúng. Bởi khi Chủ tịch Đinh La Thăng mở cuộc họp tổng thể của Hội đồng thành viên, tại đó có PVC, PVPower và đày đủ những người khác. “Tại cuộc họp này, ông Thăng yêu cầu báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong việc ký và thực hiện Hợp đồng 33, chúng tôi đã báo cáo những thiếu sót và đề nghị tập đoàn chú ý. Nhờ có báo cáo của chúng tôi, ông Thăng mới yêu cầu rà soát để ký hợp đồng mới”.
Trước những lời trình bày của ông Vũ Huy Quang trong sáng 10/1 cho thấy sự trái ngược với lời khai của bị cáo Đinh La Thăng trong chiều 9/1. Cụ thể, ông Đinh La Thăng nói: “Sau 10 năm nhìn lại, được sự giúp đỡ của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, và Hội đồng xét xử, bị cáo nhận thấy việc triển khai dự án còn sai về thủ tục. Tất nhiên lúc đó bị cáo chưa biết, nhưng bây giờ bị cáo đã biết. Bị cáo có trách nhiệm là người đứng đầu và nhận trách nhiệm.”