Truyện ngắn: Câu chuyện trên một chuyến bay

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau mấy ngày làm việc với lịch trình dầy đặc, họp hành xen lẫn những cuộc tiếp khách, Lâm hầu như kiệt sức. Khi làm thủ tục check in, anh yêu cầu một ghế sát cửa sổ với dự định sẽ ngủ một giấc cho đến khi máy bay hạ cánh.

Vậy mà anh không có cơ hội để ngủ, hay đúng hơn anh không thấy muốn ngủ vì một cuộc gặp tình cờ. Chỉ còn ít phút nữa là máy bay cất cánh, vị khách cùng hàng ghế với anh mới lên máy bay. Đó là một phụ nữ đã ngoại 60, nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn với gương mặt thanh thoát, vóc người gọn gàng.
Ngoài chiếc xách tay nho nhỏ, chị ôm theo một bó hoa bọc trong giấy báo cẩn thận. Thấy chị lúng túng với bó hoa khá lớn, Lâm sốt sắng: Chị để tôi giúp, rồi đỡ bó hoa đặt lên khoang để hành lý. Dù đã trao bó hoa cho Lâm, người phụ nữ vẫn dõi mắt nhìn theo. Chỉ khi Lâm lựa chiều, đặt bó hoa thật cẩn thận, chị mới thở ra thật nhẹ, nhìn anh với vẻ biết ơn rồi ngồi xuống ghế, thắt dây an toàn. Chuyến bay hôm ấy vắng, chiếc ghế ở giữa không có khách,
Lâm quay sang bắt chuyện:
- Chị ở Hà Nội vào Sài Gòn?
- Vâng, tôi vào có chút việc, mai lại bay ra…
- Sao gấp vậy chị?
- Thì cũng không có công việc gì đâu anh…
- Chị chịu khó thật, chắc người quen của chị phải yêu hoa lắm! Mà hoa gì vậy chị…
- Anh ấy mất rồi, hoa loa kèn chú ạ…
Như đọc được vẻ áy náy vì vô tình đã gợi nỗi buồn của chị trong ánh mắt Lâm, chị đổi cách xưng hô sang thân mật hơn, trầm giọng kể câu chuyện của mình…
 Ảnh minh họa.
***
Đấy là những ngày tháng Tư năm 1972. Trường cấp III Trâm theo học đang sơ tán về một vùng quê Hà Tây. Đám học trò lớp 10 đang gấp rút chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp phổ thông. Lúc ấy đã ngang trưa. Trâm đang cùng mấy đứa bạn gái cùng nhóm lúi húi chuẩn bị cho bữa cơm thì có tiếng cô bé con ông bà chủ nhà vóng vót:
- Chị Trâm ơi, có anh bộ đội tìm chị này…
Trâm nhìn ra và thảng thốt đến mức buông rơi cả rổ rau vừa rửa. Đứng trước mặt Trâm là Dũng, rắn rỏi trong bộ quân phục màu cỏ úa đã hơi bạc màu với nụ cười tươi rói. Mới có mấy tháng mà trông anh chàng đã chững chạc hẳn lên dù nét học trò vẫn chưa phai hết.
- Sao Dũng lại ở đây?
- Chúc mừng sinh nhật Trâm!
Dũng không trả lời câu hỏi mà đưa cho Trâm bó hoa loa kèn mà anh nãy giờ anh vẫn dấu sau lưng.
Đến lúc này thì Trâm như không nén nổi, òa lên khóc nức nở, khóc vì sung sướng, vỡ òa trong hạnh phúc. Sau khi cùng Trâm cắm mấy bông loa kèn vào chiếc lọ gốm mượn được của bác chủ nhà, Dũng mới giải thích về sự tình cờ may mắn khiến anh có mặt đúng vào ngày sinh nhật của Trâm, cái ngày mà bận học hành và cũng vì Dũng ở xa nên cô không nghĩ tới.
Từ tháng Ba, sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Dũng đã theo đơn vị công binh cầu phà của anh vào tận Vĩnh Linh. Vì yêu cầu phục vụ chiến dịch Quảng Trị nên những chàng lính mới không được nghỉ phép như thường lệ trước lúc vào chiến trường.
Trâm biết tin Dũng đi chiến trường qua bức thư viết vội, mà anh thả xuống đường với dòng chữ “Nhờ cô bác, anh chị chuyển hộ - Xin cảm ơn!” khi xe đi qua thành phố, phong bì còn lấm bụi đất. Trâm cũng mới nhận được thư anh viết từ Cửa Tùng. Trong thư Dũng kể với cho cô bạn gái nghe về Cửa Tùng, chỗ con sông Hiền Lương đổ ra biển, nơi đơn vị anh ghép những chiếc phà trọng tải hàng chục tấn để chở tăng, pháo qua sông tiến vào giải phóng Quảng Trị.
Với tâm hồn lãng mạn của một cậu học trò giỏi văn, anh tả cho cô bạn gái nghe về bờ cát trắng mịn với những con sóng ve vuốt hiền hòa mà tịnh không nói gì đến những khó khăn nguy hiểm mà anh cùng đồng đội đang phải đương đầu.
Chiến dịch đang đà phát triển. Đơn vị được trang bị thêm khí tài mới. Là một chiến sĩ giỏi, Dũng được tham gia nhóm cán bộ chiến sĩ ra dự khóa huấn luyện cấp tốc ngoài Bộ tư lệnh, đóng trên mạn Trung Hà, Sơn Tây. Biết Dũng còn mẹ già ở Hà Nội, đơn vị cho anh một ngày phép tranh thủ trước khi trở vào Vĩnh Linh. Đạp xe từ sáng sớm, Dũng đã về qua nhà thăm mẹ, xin phép mẹ vào thăm Trâm. Chiều nay Dũng sẽ ăn với mẹ một bữa cơm rồi đạp xe trong đêm để trở lại đơn vị, kịp sáng mai hành quân cùng đồng đội.
- May mà mình tìm được hoa loa kèn. Phải lên tận chỗ ki ốt hoa phố Hàng Khay, Bờ Hồ đấy…
Ngắm Dũng hơn hở khoe, Trâm lại trào nước mắt. Dù đã đi vào nơi mũi tên hòn đạn, bạn cô vẫn không quên những sở thích của hai đứa. Dũng và Trâm đều yêu loài hoa báo hiệu mùa Hè Hà Nội. Mới năm ngoái thôi, sinh nhật Trâm, Dũng rủ cô lên tận Nghi Tàm để mua mấy nhánh loa kèn sớm, rồi quay về lò Gốm Chi trên phố Nguyễn Du chọn một chiếc lọ ưng ý làm quà sinh nhật.
Hôm ấy, hai đứa cứ ngắm mãi những bông loa kèn với màu trắng tinh khiết, nổi bật giữa những phiến lá xanh đậm mềm mại được tôn lên bởi nét thô mộc mà chắc khỏe của bình chiếc bình gốm, sản phẩm được tạo tác từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân làm gốm, người đã tạo sự đột phá cho thú chơi hoa của người Hà Nội một thời.
Và hôm ấy cũng là lần đầu tiên Trâm chịu ngồi sau xe Dũng, đôi lúc còn tựa nhẹ mái đầu thanh xuân với đôi bím tóc tết đuôi sam nặng trĩu vào tấm lưng học trò rìn rịn mồ hôi của cậu bạn trai. Đã tưởng năm nay sinh nhật cô vắng Dũng, và cũng chẳng có những bông loa kèn mà họ yêu thích thì như một niềm vui bất chợt, Dũng đã về với cô, bằng xương bằng thịt, một niềm vui không dám mong đợi…
***
Vậy là Dũng ra đi từ những ngày tháng Tư năm ấy. Anh trở lại chiến trường, cùng đồng đội chốt giữ trên những bến phà trọng điểm trải suốt vùng đất máu lửa Quảng Trị trong mưa bom bão đạn. Anh cũng vinh dự được tham gia bắc cây cầu phao nối hai bờ sông Bến Hải trong những ngày hòa bình đầu tiên sau khi Hiệp định Paris được kí kết, đón anh em tù binh được phía bên kia trao trả, tham gia giữ đất chống đối phương lấn chiếm vi phạm Hiệp định…
Những ngày đầu tháng Tư năm 1975 Dũng cùng đồng đội theo bước chân thần tốc của các binh đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vào thời khắc mà mọi gia đình Hà Nội cùng cả hậu phương lớn đều hướng về Miền Nam với niềm tin chiến thắng ấy, Dũng đã nằm lại bên dòng sông Cát Lái, khi đơn vị anh mở đường cho cánh quân của Quân đoàn II tiến vào hang ổ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Một loạt đạn bắn lén hèn hạ đã nhằm vào người chỉ huy trinh sát dũng cảm trong lúc anh đang kêu gọi đám tàn quân Ngụy đầu hàng, tránh đổ máu vô ích. Lúc ấy là sáng 30/4, chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa là Miền Nam hoàn toàn giải phóng.
***
Trâm biết tin Dũng hi sinh khi đang học tại một nước Đông Âu. Phải đến hơn chục năm sau, khi cùng chồng con trở về Việt Nam, Trâm mới có dịp tìm đến nhà Dũng để thắp cho anh một nén hương. Cũng lần ấy, mẹ Dũng, tuổi đã cao bày, tỏ mong muốn một lần được đi thăm mộ đứa con trai duy nhất ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.
Được sự ủng hộ của chồng, Trâm bố trí đưa mẹ vào thăm mộ Dũng. Chị chọn thời điểm chuyến đi vào một ngày tháng Tư, giữa mùa hoa loa kèn, loài hoa mà họ cùng yêu quý nở rộ nơi thành phố quê hương mà họ cùng gắn bó trong bao kỉ niệm tuổi học trò. Trâm đã cùng mẹ đặt trước mộ Dũng những bông loa kèn trắng muốt mang từ Hà Nội vào.
Cũng trong chuyến đi ấy, mẹ đã kể với Trâm về một giấc mơ. Bà mơ thấy Dũng về. Anh xin mẹ cứ để anh nằm ở đây cùng đồng đội, kẻ Nam, người Bắc từ khắp các vùng quê với sự chăm nom hương khói của bà con thành phố mang tên Bác.
Từ dạo ấy, mỗi dịp tháng Tư, Trâm hay bố trí công việc bay vào thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp thăm mộ Dũng và mang cho anh những bông loa kèn từ Hà Nội. Vài năm gần đây, sau khi chồng mất, hai con đều đã phương trưởng định cư ở nước ngoài, cứ tháng Tư, mùa hoa loa kèn là chị lại bay vào Sài Gòn, chỉ mỗi việc là đặt trên mộ Dũng cùng đồng đội anh những bông loa kèn đong đầy kỉ niệm…
***
Máy bay đã hạ độ cao để chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Cái mệt như biến đâu mất. Trào lên trong Lâm là một cảm nhận về những điều tốt đẹp của cuộc đời. Anh dành phần ôm bó hoa loa kèn, giúp chị gọi một chiếc Grab đến Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố. Dù Lâm năn nỉ để được đi cùng chị, nhưng Trâm từ chối, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.
Cho Lâm số điện thoại để liên lạc, chị hứa khi có dịp sẽ đến thăm anh cùng gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh. Lâm hiểu rằng chị muốn có những phút riêng tư cùng người bạn trai mãi ở tuổi hai mươi mà chị đã dành tình cảm non nớt đầu đời vô cùng sâu đậm, nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ với những bông hoa loa kèn thanh khiết…
Nhìn chiếc xe chở chị hòa dần vào dòng xe cộ đông đúc, Lâm tự nhủ: Nhất định sẽ tìm gặp lại chị, người phụ nữ mà mới chỉ qua một chuyến bay, anh đã thấy vô cùng cảm mến, thân thiết như một người trong gia đình.