Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Nếu giám thị làm không nghiêm túc thí sinh sẽ phản ánh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/6, bên lề hội nghị Hướng dẫn cán bộ coi thi THPT Quốc gia năm 2018, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 được dùng để xét tuyển đại học nên có sự cạnh tranh lớn. Vì thế, mỗi thí sinh sẽ là một cán bộ coi thi, nếu giám thị làm không nghiêm túc sẽ phản ánh ngay.

TS Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội
Thưa ông, nhằm đảm bảo an toàn cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có phương án nào để phát hiện thiết bị gian lận trong phòng thi?

Ông Chử Xuân Dũng: Để đảm bảo an ninh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Công an TP triển khai thông tin đến các trưởng điểm thi, cán bộ coi thi về những thiết bị có thể được thí sinh sử dụng để gian lận trong phòng thi.
Các thiết bị này khá tinh vi nhưng tôi nghĩ đều có thể phát hiện được nếu giám thị thực hiện công việc hết sức nghiêm túc và tập trung coi thi.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - THPT năm học 2018 - 2019 vừa qua tại Hà Nội, chính giám thị để lọt đề thi ra ngoài. Sở GD&ĐT Hà Nội đã có biện pháp gì để ngăn chặn hữu hiệu nhất và có chế tài xử lý, tránh sự việc đáng tiếc như vừa qua?

Ông Chử Xuân Dũng: Sự việc giáo viên chụp đề thi và lọt ra ngoài trong lúc học sinh làm bài thi lớp 10 vừa qua là hết sức đáng tiếc. Chúng tôi thấy ý thức và trách nhiệm của thầy giáo rất yếu, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân thầy giáo mà còn ảnh hưởng chung đến ngành giáo dục Thủ đô và thậm chí là giáo dục cả nước.
Sắp tới, trong công tác chỉ đạo, chúng tôi yêu cầu các hiệu trưởng các trường tiếp tục rà soát các cán bộ được cử đi coi thi phải là những người có tinh thần trách nhiệm. Hai là, yêu cầu các điểm thi phải tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa 2 giám thị để kiểm soát tốt nhất các hành vi gian lận của thí sinh và động thái thiếu nghiêm túc của ngay chính cán bộ coi thi.

Tôi nghĩ đây là một kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia nhưng dùng kết quả để xét tuyển đại học vì thế bản thân mỗi thí sinh sẽ có sự cạnh tranh. Cho nên, mỗi thí sinh sẽ là một cán bộ coi thi. Chính vì vậy, nếu giám thị làm không nghiêm túc thí sinh sẽ phản ánh. 

Tôi cũng hy vọng giám thị các điểm thi sẽ rút kinh nghiệm một cách sâu sắc công việc sai lầm vừa rồi của thầy giáo Nông Hoàng Phúc - trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để rút kinh nghiệm. Đây là bài học xương máu trong công tác tổ chức coi thi.

Ngoài những thiết bị gian lận phòng thi được Công an TP Hà Nội giới thiệu ở hội nghị hướng dẫn coi thi này, ông có lo ngại có những thứ tinh vi hơn nữa và có mong muốn công an vào cuộc với những người bán?

Rất khó và không có lý do để cấm họ bán. Trong việc tổ chức coi thi, chúng tôi cũng nhắc nhở và quán triệt quy chế đến các thí sinh để các em hiểu và thực hiện đúng. Bên cạnh đó, chúng tôi nêu cao trách nhiệm của giám thị coi thi.
Như chúng tôi đã nói, tất cả các thiết bị dù công nghệ cao thì đều tương tác với con người, tiếp xúc trực tiếp với thí sinh làm bài thi. Chỉ cần giám thị tập trung quan sát, theo dõi những hành động cử chỉ của người đi thi có thái độ và ánh mắt nhìn khác người thì dù công nghệ tinh vi đến mức nào thì cũng sẽ phát hiện được trong phòng thi.

Đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị thi đã được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 của Hà Nội đã được rà soát từ Ban chỉ đạo thi của TP đến Ban chỉ đạo của các quận, huyện đến Ban chỉ đạo chung. Về cơ bản công tác chuẩn bị, tiến độ tiến hành bình thường đúng theo kế hoạch. Đến thời điểm này, mọi thứ diễn ra một cách bình thường.

Xin cảm ơn ông!