TS Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ bị đứt gãy, điều này đang làm gia tăng áp lực lạm phát đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện những giải pháp bình ổn cung - cầu song song với điều hành linh hoạt chính sách kiểm soát về thị trường, tiền tệ, giá cả.

TS Nguyễn Trí Hiếu.
TS Nguyễn Trí Hiếu.

Nhiều hệ lụy bởi tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa

Có thể thấy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang hiện hữu rõ rệt. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang tác động manh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, nhất là các đòn trừng phạt từ phía các nước phương Tây đối với Nga. Trong khi đó, Nga là nước sản xuất, cung ứng dầu mỏ, khí đốt cho nhiều nước trên thế giới, còn Ukraine là được coi là vựa lúa mỳ của thế giới. Vì vậy, hiển nhiên là chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị gián đoạn, thậm chí đứt gãy.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới yếu tố Trung Quốc thực hiện chính sách “Zezo Covid”. Đơn cử như việc Trung Quốc phong tỏa một số TP lớn đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nước này.

Trong khi đó, Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu trên thế giới, nếu chuỗi cung ứng hàng hóa của Trung Quốc bị chậm lại hoặc bị đứt gãy thì tất yếu ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của cả thế giới.

Ngoài ra, việc Mỹ tăng lãi suất cho thấy động thái thắt chặt tiền tệ đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Mỹ khó khăn hơn. Rất có thể cuối năm nay hoặc sang năm 2023, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vừa suy giảm trì trệ, vừa lạm phát.

Sở dĩ tôi nêu ra quan điểm như vậy là vì 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, chính sách tiền tệ, chính sách kiểm soát dịch Covid-19… làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt nguy cơ đứt gãy đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ông có thể phân tích rõ hơn về việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc ra thế giới và tác động đến hầu hết đến các lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam hiện nay?

- Việt Nam bị tác động và sẽ tiếp tục chịu tác động vì phần lớn các nguyên, phụ liệu đầu vào của Việt Nam là nhập từ Trung Quốc. Nếu nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chậm lại hoặc bị gián đoạn, đứt gãy thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp trở ngại rất lớn, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Tôi hy vọng là các chuỗi cung ứng sẽ được phục hồi nhanh chóng để Việt Nam nhập khẩu được hàng hóa, nguyên, phụ liệu Trung Quốc thuận lợi.

Liệu việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid” sẽ tăng thêm rủi ro cho một số ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam không, thưa ông?

Điều đó là không tránh khỏi. Theo tôi, trong trường hợp này Việt Nam phải tự bảo vệ mình bằng cách phải nhắm đến việc sản xuất hàng nội địa để thay thế cho hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể sản xuất được một số loại hàng hóa thay thế thuộc nhóm dệt may, điện tử, nông sản và ở một chừng mực nhất định bởi phần lớn các nguyên, phụ liệu phải nhập từ Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ nhất là do giá hàng hóa của Trung Quốc rất rẻ; thứ hai là những chuẩn mực về an toàn, kiểm soát về chất lượng của Trung Quốc rất tốt. Thực tế này buộc chúng ta phải tìm thị trường nhập khẩu từ các nước, khu vực khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Khó kiểm soát lạm phát dưới 4%

Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ đứt gãy nguồn cung ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

- Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối khả quan, nước ta vẫn duy trì xuất siêu, nhập khẩu hàng hóa vẫn ở mức tốt.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, tình hình chuỗi cung ứng toàn thế giới bị ảnh hưởng như này thì Việt Nam sẽ không nằm ngoài vòng chịu ảnh hưởng. Đây là bài toán khó có thể tính toán chính xác được. Theo tôi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 khó đạt được mức 6,5% khi nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang hiện hữu.

Cùng với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sự “leo thang” giá cả một loạt các nguyên liệu đầu cho sản xuất hàng hóa. Vấn đề này có ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đã đặt ra hồi đầu năm không thưa ông?

- Đây là bài toán rất khó. Tuy nhiên với tất cả sự quan sát thế giới và Việt Nam, giá cả hàng hóa đang tăng lên rất mạnh mẽ. Tại Mỹ, giá cả hàng hóa trong tháng 4/2022 tăng 8,5%, mức cao nhất trong 40 năm qua và đang tiếp tục xu thế tăng.

Mặc dù Mỹ đang tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát hay nói cách khác là thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng theo tôi khả năng Chính phủ Mỹ kiểm soát được lạm phát là không cao.

Không chỉ có Mỹ, trên thế giới lạm phát của nhiều quốc gia cũng đang tăng lên. Lạm phát của thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc nước ta nhập khẩu hàng hóa của họ.

Khi hàng hóa của họ tăng lên, chúng ta nhập khẩu hàng hóa của họ thì tất yếu là nhập khẩu lạm phát. Trong lúc đó, hàng hóa nội địa của chúng ta cũng tăng, đơn cử như giá xăng dầu tăng rất mạnh, giá nguyên vật liệu, giá lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu… tăng. Với nguy cơ rủi ro lạm phát tăng cao như này, tôi nghĩ mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là khó khả thi.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ - Ảnh 1

Chấp nhận tất yếu của kinh tế thị trường

Vậy đâu là giải pháp ứng phó ở góc độ Chính phủ, bộ, ngành và các cơ quan quản lý nhà nước, thưa ông?

- Chính phủ, bộ ngành và các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự linh động trong kiểm soát hàng hóa. Bởi chúng ta là nền kinh tế thị trường nên Chính phủ hay Bộ Công Thương không thể định giá hàng hóa. Hay nói cách khác là không thể thực hiện cách điều hành giá theo nền kinh tế “chỉ huy” như xưa. Điều này buộc chúng ta phải chấp nhận quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường cũng như chấp nhận việc giá hàng hóa tăng lên. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý có thể kiểm soát các động thái, hành vi “té nước theo mưa” của các DN, hay kiểm soát vấn đề tăng giá hàng hóa quá nhanh của các DN và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tôi muốn nhấn mạnh là ngoại trừ xăng dầu và điện là 2 loại giá Chính phủ có thể can thiệp điều chỉnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều chỉnh về giá trực tiếp thì Chính phủ nên cẩn trọng, mà Chính phủ có thể điều chỉnh về nguồn cung xăng dầu (mở các kho dự trữ, nhập khẩu xăng dầu nhiều hơn) để ghìm giá. Hay như giá điện, Chính phủ nên đẩy mạnh các giải pháp dồi dào nguồn cung ứng điện phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan kiểm soát về thị trường, tiền tệ, giá cả cần phải vào cuộc mạnh mẽ để bình ổn cung - cầu, thị trường.

Ông có khuyến nghị nào dành cho các DN Việt Nam để vượt qua những khó khăn, thách thức của nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu?

- Đúng là hiện nay, DN của Việt Nam đang rất khó khăn. Điều này thể hiện ở việc con số DN phá sản, ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm 2022 vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tín dụng thị trường, đặc biệt là tín dụng thị trường bất động sản và rất có thể sắp tới nếu nguy cơ lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất. Tôi không hy vọng lãi suất sẽ tăng mà luôn mong muốn lãi suất duy trì ở mức thấp để hỗ trợ DN.

Về phía các DN, cần lên kế hoạch hành động theo 3 kịch bản: Kịch bản tốt nhất, kịch bản trung bình và kịch bản xấu nhất. Trong mỗi kịch bản nên đưa ra các giả định lãi suất cao, giả định lãi suất trung bình, lãi suất thấp. Trên cơ sở những kịch bản đó có mục tiêu hành động cho phù hợp. Đối với các DN, đây là lúc cần phải có hoạch định những phương án hoạt động một cách phù hợp.

Mặt khác, trong tình hình giá cả leo thang thì DN cũng cần cân nhắc những giải pháp “thắt lưng buộc bụng” như giảm thiểu các chi phí không cần thiết sẽ phần nào giúp DN chống đỡ được với “bão” lạm phát có thể xảy ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

"Đối với gói hỗ trợ phục hồi 350.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang triển khai, đây là mức ngân sách rất cố gắng từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, cần phải có chương trình ưu tiên hóa đối với một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp và những thành phần kinh tế như DN nhỏ và siêu nhỏ, thành phần lao động trong xã hội…" - TS Nguyễn Trí Hiếu