Từ 15/8, không đăng ký biển số xe định danh có bị phạt không?

Minh Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thông tư 24/2023 của Bộ Công an về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, từ 15/8, cơ quan công an sẽ cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe. Trường hợp không đổi biển xe cũ sang biển số định danh, người dân có bị phạt không?

Trước 15/8, xe đã đăng ký biển 5 số mà chưa thu hồi thì số biển số đó được xác định là biển số định danh. Ảnh minh hoạ 
Trước 15/8, xe đã đăng ký biển 5 số mà chưa thu hồi thì số biển số đó được xác định là biển số định danh. Ảnh minh hoạ 

Biển số định danh là gì?

Biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số theo quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA.

Đối với chủ xe là công dân Việt Nam thì biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân.

Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe thì biển số định danh của chủ xe được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình. 

Số biển số định danh được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày thu hồi; quá thời hạn nêu trên, nếu chủ xe chưa đăng ký thì số biển số định danh đó được chuyển vào kho biển số để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định.

Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì được giữ lại biển số định danh đó (không phải đổi biển số xe).

Trước 15/8, xe đã đăng ký biển 5 số mà chưa thu hồi thì số biển số đó được xác định là biển số định danh

Thông tư 24/2023/TT-BCA nêu rõ, đối với xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày 15/8/2023 mà chưa làm thủ tục thu hồi thì số biển số đó được xác định là biển số định danh của chủ xe.

Đối với xe đã đăng ký biển 5 số, nếu chủ xe đã làm thủ tục thu hồi trước ngày 15/8/2023 thì số biển số đó được chuyển vào kho biển số để cấp biển số theo quy định.

Đối với xe đã đăng ký biển 3 hoặc 4 số thì tiếp tục được phép tham gia giao thông, trừ trường hợp chủ xe có nhu cầu cấp sang biển số định danh hoặc khi chủ xe thực hiện thủ tục cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, cấp đổi biển số xe, cấp lại chứng nhận đăng ký xe, cấp lại biển số xe hoặc đăng ký sang tên, di chuyển xe theo quy định của Thông tư này thì thực hiện thu hồi biển 3 hoặc 4 số đó và cấp đổi sang biển số định danh theo quy định.

Không đăng ký biển số xe định danh thì có bị phạt không?

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định về mức phạt cụ thể về biến số xe định danh. Tuy nhiên, khi đã chuyển quyền sở hữu, việc sang tên xe đảm bảo rằng thông tin về chủ sở hữu mới đã được cập nhật đúng mực trong hồ sơ đăng ký xe. Việc này giúp xác định rõ người chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng xe, đồng thời tránh việc sử dụng xe không chính chủ. Cả chủ cũ và chủ mới đều phải nghiêm túc thực hiện thủ tục sang tên xe theo đúng quy định của pháp luật. Việc này bao gồm việc điền đầy đủ thông tin vào biểu mẫu đăng ký xe, cung cấp các giấy tờ cần thiết, và nộp lệ phí sang tên xe nếu có.

Nếu vi phạm quy định về việc sang tên xe, người sở hữu xe có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật về lỗi xe không chính chủ. Theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA, khi có việc mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe, tổ chức hoặc cá nhân phải đến cơ quan đăng ký xe để thực hiện thủ tục cấp đăng ký và biển số trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe.

Nếu không thực hiện sang tên xe trong thời hạn 30 ngày, người sử dụng xe sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, với xe máy, cá nhân có thể bị phạt từ 400.000-600.000 đồng, tổ chức bị phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng. Với xe ô tô, cá nhân có thể bị phạt từ 2-4 triệu đồng, tổ chức bị phạt từ 4-8 triệu đồng.

Trường hợp tham gia giao thông bằng xe đứng tên của người khác mà do mượn hợp pháp từ bạn bè, người thân thì sẽ không bị phạt về lỗi xe không chính chủ.