Từ biển cả đến đại ngàn: cú hích du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập
Kinhtedothi - Sự hợp nhất Quảng Ngãi - Kon Tum không chỉ mở rộng không gian địa lý, mà còn tạo thế liên kết vùng độc đáo giữa biển và rừng, giữa Sa Huỳnh và Tây Nguyên. Trên nền địa hình đa dạng ấy, du lịch được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột mới cho phát triển kinh tế.
Tỉnh Quảng Ngãi mới ra đời sau khi hợp nhất với Kon Tum có diện tích gần 15.000 km², dân số hơn 2,1 triệu người, địa hình trải dài từ đồng bằng ven biển tới rừng núi Tây Nguyên. Sự kết hợp giữa hai không gian phát triển không chỉ là sự chồng ghép về địa giới, mà là sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa - từ Sa Huỳnh cổ đến sắc màu Tây Nguyên đại ngàn.
“Tương lai của Quảng Ngãi vẫn là phát triển du lịch với những lợi thế nhằm lan tỏa hình ảnh của biển cả bao la, của đại ngàn Tây Nguyên trùng điệp, của con người hiền hậu, của những giá trị văn hóa được gìn giữ nguyên vẹn qua năm tháng”- Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân nhìn nhận.

Du lịch biển là thế mạnh của Quảng Ngãi, đặc biệt là ở Lý Sơn.
Quảng Ngãi có 129 km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Châu Tân, các mũi đá trầm tích núi lửa đặc sắc và đảo Lý Sơn – nơi định hướng thành trung tâm du lịch biển – đảo quốc gia. Trong khi đó, Măng Đen của Kon Tum được ví như “Đà Lạt thứ hai”, với khí hậu quanh năm mát mẻ, rừng thông, thác nước và bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang ví von việc “về chung một nhà” bằng câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu nguồn / Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” để nhấn mạnh mối duyên rừng - biển đã có từ xa xưa.
Ông cho rằng, sự hội tụ các điểm đến đặc trưng từ Lý Sơn đến Măng Đen, từ di sản Sa Huỳnh đến lễ hội của người Xê Đăng, Ba Na… chính là lợi thế tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, có chiều sâu văn hóa và sức hấp dẫn.
Măng Đen là một trong những điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch.
Định hướng phát triển du lịch cũng được nhấn mạnh trong phát biểu nhân Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng vào hôm 1/7.
Ông cho rằng, Quảng Ngãi mới cần khai thác hiệu quả các điểm du lịch gắn với di sản lịch sử, văn hóa, văn hóa tâm linh và bản sắc các dân tộc ít người. Lý Sơn, Măng Đen, các vùng ven sông Trà Khúc, sông Đăk Bla, dọc biển Sa Huỳnh sẽ là những hạt nhân, cần đầu tư để hình thành đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và văn hóa trải nghiệm.
Để hiện thực hóa tiềm năng, Quảng Ngãi xác định hạ tầng giao thông là ưu tiên hàng đầu. Quốc lộ 24 sẽ được mở rộng để kết nối Quảng Ngãi – Kon Tum trong khi chờ tuyến cao tốc hoàn thành. Hai dự án sân bay Lý Sơn và Măng Đen đang được nghiên cứu, trong khi cảng Dung Quất tiếp tục được nâng cấp.

Hạ tầng giao thông được xác định phải đi trước, mục tiêu kết nối thông suốt, thuận lợi từ đảo Lý Sơn đến cửa khẩu Bờ Y.
Song song với “hạ tầng cứng” là “hạ tầng mềm”. Chính quyền tỉnh cam kết xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực phục vụ tại các vùng núi, vùng xa cũng được coi là yếu tố góp phần giữ chân du khách và nhà đầu tư.
Không chỉ phát triển điểm đến, tỉnh cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, đặc biệt là đội ngũ lao động phục vụ du lịch, dịch vụ, để ngành này thực sự trở thành trụ cột kinh tế trong tương lai gần.
Như lời Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân: “Tương lai của Quảng Ngãi là nằm trong khát vọng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân”. Và với hành trang là địa hình đa dạng, bản sắc độc đáo, cùng tinh thần đổi mới, ngành du lịch Quảng Ngãi đang có cơ hội bứt phá, nối dài từ biển cả đến đại ngàn.

Sẻ chia một mái nhà, ấm lòng nơi quê mới
Kinhtedothi-Với việc hơn 1.000 cán bộ rời Kon Tum (cũ) về Quảng Ngãi nhận công tác sau sáp nhập tỉnh, chốn ở tạm trở thành nỗi lo lớn nhất. Nhưng chính người dân nơi từng là “đất khách”, nay là quê hương chung, đã mở lòng sẻ chia, đùm bọc nhau như ruột thịt.

Quảng Ngãi hướng đến phát triển công nghiệp bền vững
Kinhtedothi-Quảng Ngãi đang từng bước hình thành nền công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường. Với định hướng phát triển xanh - sạch - bền vững, công nghệ quản lý tiên tiến được đẩy mạnh cùng việc thu hút các dự án công nghiệp thế hệ mới sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng lâu dài.

Danh sách nhân sự đứng đầu các sở, ngành của Quảng Ngãi sau sáp nhập
Kinhtedothi - Chiều 1/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ.