Chùa Trăm Gian là di tích lịch sử - văn hóa thuộc thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Di tích được hình thành cách đây khoảng 1000 năm, tọa lạc ở vùng quê bình yên, nằm gần dòng sông Kinh Thầy, không gian thanh tịnh, mái ngói rêu phong, vườn tháp cổ kính và từng là một ngôi chùa lớn, trung tâm Phật giáo của cả nước, trường dạy kinh Phật cho nhiều phật tử.
Đến nay vẫn giữ được bố cục, nét kiến trúc độc đáo và nhiều cổ vật có giá trị khoa học. Ngoài tên gọi Trăm Gian, chùa còn có tên là An Ninh, cách gọi theo tên địa danh của làng và tên tự là chùa Vĩnh Khánh.
Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Trăm Gian được xây dựng để thờ Phật theo phái Đại thừa. Không chỉ là danh lam cổ tích trong vùng, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngôi chùa là cơ sở cách mạng, nơi luyện tập, họp hành và trú ẩn của du kích, bộ đội địa phương.
Ngày nay, ngôi chùa trở lại thành điểm sinh hoạt văn hóa tôn giáo tâm linh của nhân dân trong vùng.
Toàn bộ khuôn viên của di tích tọa lạc trên diện tích 17.977 m2, với các công trình chính như: gác chuông (128 m²), có quy mô lớn và độc đáo. Trên gác chuông ở gian trung tâm treo quả chuông đồng đúc vào năm Thành Thái thứ 2 (1890), đây là quả chuông hiếm có của tỉnh Hải Dương.
Phía sau gác chuông, qua một sân nhỏ là chùa chính gồm: Tiền đường 07 gian, có chiều dài 16m, rộng 8m; Thượng điện có chiều dài 11m, rộng 8m, phần mộc của thượng điện có kết cấu và chế tác giống tiền đường, nhưng các chi tiết phần mộc nhỏ hơn. Bên trái thượng điện là 07 gian nhà thờ Mẫu, có chiều dài 14m, rộng 4m. Bên phải là hai Nhà khách nối liền nhau như một hành lang.
Sau thượng điện là nhà Tứ ân, kết cấu kiểu kẻ chuyền chồng chóp, các con chồng, đấu sen, các bức chạm lá lật chạm trổ tinh vi. Nhà tổ nằm phía sau nhà tứ ân. Phía bắc chùa có sân rộng chừng 1.000 m² cùng một số công trình như: Nhà tháp, nhà tăng, am trong, am ngoài cùng nhiều công trình phụ khác.
Phía sau chùa là một vườn tháp gồm 10 ngôi, trong đó có 9 ngôi được xây dựng vào thời Lê và Nguyễn, một ngôi được xây dựng năm 2003. Chùa Trăm gian là ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm, có nhiều hạng mục công trình và nhiều gian nhất hiện còn trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, giá trị khoa học của di tích và cổ vật đang được lưu giữ tại chùa. Ngày 02/3/1990, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 168/QĐ-BVH.
Mặc dù luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong việc gìn giữ, bảo tồn di tích với nhiều lần sửa trước đây, nhưng trải qua hàng nghìn năm tồn tại, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người, đến thời điểm hiện nay di tích đã ở trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nên yêu cầu đặt ra cần phải có giải pháp toàn diện để trùng tu, tôn tạo.
Do đó Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian tại xã An Bình, huyện Nam Sách đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có tổng kinh phí 29,1 tỷ đồng (ngân sách tỉnh Hải Dương và UBND huyện Nam Sách). Dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Nam Sách làm chủ đầu tư được khởi công ngày 02/11/2023 và dự kiến hoàn thành ngày 07/9/2024.
Cụ thể chùa Trăm Gian sẽ được đầu tư xây dựng nhà mộc bản; nhà thiền; hồ nước, ao chùa; cổng, tường bao; sân, đường nội bộ, khu dịch vụ văn hóa và bãi đỗ xe; nhà vệ sinh… Để thực hiện dự án, nhà thầu thi công sẽ bảo quản di tích, đảm bảo giao thông dân sinh và phục vụ khách tham quan trong quá trình tu bổ.
Theo Ban Quản lý dự án, tổng khối lượng tính đến ngày 8/5 được khoảng 77% khối lượng theo hợp đồng. Tiến độ các công việc đã thực hiện hoàn thành thi công nhà mộc bản, lắp dựng nhà thiền được khoảng 90% khối lượng, hoàn thiện kè ao, hồ đạt 100%; đang thi công hoàn thiện sân, tường rào xung quanh đạt khoảng 80%.
Chùa Trăm Gian với lịch sử lâu đời cho thấy những giá trị tiêu biểu và tầm quan trọng của di tích đối với lịch sử văn hóa địa phương và việc kết nối chùa Trăm Gian với các di tích khác trên địa bàn huyện nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung nhằm tích cực tuyên truyền giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của huyện Nam Sách đến được đông đảo tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.