Tự chủ tài chính đại học: Bài toán khó

Thủy Trúc - Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự chủ về tài chính sẽ tạo cơ sở cho tự chủ về chuyên môn và tổ chức bộ máy có chất lượng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học (ĐH) đang tự chủ lại chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước và nguồn thu học phí.

Sinh viên Đại học Công nghiệp trong giờ thực hành cơ khí. Ảnh: Phạm Hùng
70% nguồn thu từ học phí và lệ phí
Thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, đến năm 2018, cả nước đã có 23 trường ĐH tự chủ. Đến nay, các trường đảm bảo được toàn bộ chi thường xuyên và trích lập được các quỹ nhờ việc được tự chủ học phí và tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao. Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện tự chủ tài chính cho các trường vẫn gặp phải những hạn chế.
Thứ nhất, Chính phủ chưa có định hướng cụ thể cho việc chuyển tiếp từ giai đoạn thí điểm của Nghị quyết 77 sang chính thức thực hiện. Điều này gây khó khăn cho các trường ĐH trong việc lập kế hoạch phát triển dài hạn, đầu tư vào cơ sở vật chất và nhân sự.
Thứ hai, chưa có hướng dẫn cụ thể về quyền tự chủ của trường ĐH trong các mức chi. Hiện học phí và lệ phí vẫn là nguồn thu chính của trường ĐH tự chủ khi chiếm trên 70% tổng thu là rất rủi ro. Nhất là khi nguồn thu lại phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh, điều này đồng nghĩa chất lượng sẽ tăng hoặc giảm khi nhà trường tuyển được nhiều hay ít chỉ tiêu.

Chia sẻ về thực trạng này, một chuyên gia đến từ Bộ Tài chính nhận định, học phí của các cơ sở giáo dục ĐH (công lập, ngoài công lập) nhìn chung còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội thực tế của đất nước nên chưa thể có mức thu cao. Đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, việc xác định giá dịch vụ đào tạo tại thời điểm hiện nay chưa tính đủ các chi phí thực tế phát sinh như tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định.
Mức thu học phí thấp là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn tài chính của giáo dục ĐH. Trong khi đó, cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH còn mang tính bình quân, dựa trên khả năng của ngân sách Nhà nước, các yếu tố đầu vào khác mà chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra hay các chính sách về đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Tự chủ tài chính gắn tự chủ chuyên môn

Để khắc phục những tồn tại về tài chính cho giáo dục ĐH, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài gợi ý, chính sách tự chủ tài chính ĐH cho Việt Nam cần chú ý tới 3 điểm. Tự chủ tài chính ĐH không đồng nghĩa với việc Chính phủ cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách tài trợ, mà vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các trường ĐH. Từ đó, tạo nên tảng vững chắc để chuyển dần sang mô hình tự chủ tài chính.
Chính phủ cần có thiết kế cơ chế chính sách cụ thể để phân bổ nguồn ngân sách công cho trường ĐH một cách hợp lý. Nhà nước cần nới lỏng các quy định về tài chính cho trường ĐH được phép hoạt động theo cơ chế như một DN. Đây là tiền đề để trường ĐH có thể vay mượn tiền từ thị trường tài chính hoặc mua bán bất động sản, sử dụng các bất động sản để thực hiện các kinh doanh dịch vụ gắn với năng lực đào tạo và nghiên cứu nhằm tăng nguồn thu phục vụ hoạt động.
Trong khi đó, PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đề nghị suất đầu tư cho một sinh viên phải được tăng lên, khoảng 70% GDP bình quân đầu người. Bởi với nguồn kinh phí hạn hẹp hiện nay, các cơ sở giáo dục ĐH khó có thể đạt được các chuẩn mực đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường ĐH tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, việc xác định suất đầu tư cho giáo dục ĐH cũng phải tính tới sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng chi trả của hộ gia đình.

Về phía Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện tốt nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị quyết số 19 của T.Ư. Theo đó, sáp nhập hoặc giải thể các trường ĐH hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH. Các trường ĐH công lập cần xác định tự chủ về tài chính gắn với tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự. Các trường cũng cần chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính theo hướng tự chủ nguồn thu, nhiệm vụ chi, tránh tình trạng trường công lập trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước.