Tự chủ, tự tôn của doanh nhân Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xưa và nay, những doanh nhân Việt Nam nổi danh đều biết lấy tinh thần tự chủ, tự tôn dân tộc làm điểm tựa cho mình. Có những Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô… ngày xưa và có những Phạm Nhật Vượng, Ðoàn Nguyên Ðức… bây giờ.

Ðồng bào mình sát cánh bên nhau

Lòng tự tôn, tinh thần dân tộc của nhà tư sản họ Bạch bắt nguồn từ một sự tri ân thực sự, khi ông đối đầu với các doanh nhân Pháp, Hoa cực kỳ có thế lực.

Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874, tại làng An Phúc, tỉnh Hà Ðông. Sau nhiều năm kinh doanh, năm 35 tuổi, ông mở tuyến giao thông đường biển Nam Ðịnh - Hà Nội - Bến Thủy. Các doanh nhân Pháp, Hoa giàu tiềm lực liền hạ giá vé xuống bằng nửa giá vé tàu của ông. Trong tình thế đó, ông đã sử dụng vũ khí kinh doanh mà người Hoa không thể có, đó là tinh thần dân tộc. Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi về tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái. Hành khách Việt dần bỏ tàu Hoa, Pháp để đi tàu của ông.
Tự chủ, tự tôn của doanh nhân Việt - Ảnh 1
Từ sự thành công đó, Bạch Thái Bưởi đã thâu tóm các đội tàu của công ty Pháp và Hoa bị phá sản. Sau đó, ông thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty, điều hành 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Tuyên Quang, vươn ra đến tận Hongkong, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore..., chính thức trở thành “Vua tàu thủy Việt Nam”.

Tất nhiên, một con người siêu đẳng trong kinh doanh như Bạch Thái Bưởi sẽ không mạo hiểm, nếu không tính toán trước lợi thế của tinh thần dân tộc mà mình sẽ có được. Tuy nhiên, điều rất đáng nể trọng, làm nên tên tuổi lớn Bạch Thái Bưởi chính là: Niềm tin cao độ vào tình yêu, lòng tự tôn dân tộc của đồng bào mình, trong thời điểm tinh thần dân tộc bị chìm khuất giữa đêm trường nô lệ.

Ở một tình thế khác, doanh nhân Phạm Nhật Vượng - ông chủ của Tập đoàn Vingroup hùng mạnh bây giờ có bước khởi đầu trên đất nước Ukraine xa xôi. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Moscow (Nga), ông chuyển tới Ukraine, thành lập Công ty thực phẩm LLC Technocom. Với việc khởi nghiệp kinh doanh tại một đất nước có nền văn hóa và kinh tế - xã hội rất khác biệt như thế thì tình cảm đồng bào là điểm tựa không thể thiếu của tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam này.

Khi thành lập Tập đoàn kinh tế Technocom, trở thành tập đoàn giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine và xuất khẩu cho 29 quốc gia trên thế giới, cũng là lúc ông Vượng chuyển hướng kinh doanh, đầu tư về Việt Nam.

Với những người nông dân bình thường, tư duy và tầm vóc của Phạm Nhật Vượng là cái gì đấy quá lớn, xa lạ. Tuy nhiên, phương án đền bù đất nông nghiệp để xây dựng khu đô thị sinh thái Vincom Village tại Sài Ðồng, quận Long Biên, Hà Nội vào đầu những năm 2000 là cái mà những người nông dân Việt Nam trong xu thế đô thị hóa này phải cảm ơn ông. Không chỉ là sự đối thoại trực tiếp giữa DN với nông dân mất đất, không phải là giá đền bù đảm bảo đời sống cho dân sau mất đất, mà đây là lần đầu tiên, nông dân bị mất đất được đặt trong vị trí của người làm chủ, được góp tiếng nói của mình, quyết định số phận mảnh đất của mình. Và kết quả của nó trả lời cho tất cả: Khu đô thị xây dựng nhanh chóng để đi vào hoạt động làm lãi cho DN, người dân phấn khởi với số tiền và sự ưu đãi mình có được sau khi nhường đất…

Tinh thần tộc trước hết và sau hết là để những đồng bào mình sát cánh bên nhau. Chỉ đơn giản là thế thôi.

Ơn sâu cái nghĩa đá vàng

Trịnh Văn Bô - một doanh nhân Hà Nội đã quá nổi tiếng với “Tuần lễ Vàng” năm 1945. Những gì ông đóng góp cho đất nước không chỉ là khối tài sản khổng lồ, mà còn là khả năng kinh doanh đột phá, mạnh dạn đưa hàng Việt Nam đi đến nhiều nơi trên thế giới.
Tự chủ, tự tôn của doanh nhân Việt - Ảnh 2
Thời đó, với cộng đồng đông đảo, có tổ chức lâu đời ở nhiều nước, các doanh nhân người Hoa luôn có thế mạnh tuyệt đối trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Tại Hà Nội cũng vậy, khách buôn nước ngoài chỉ biết đến những giao dịch ở Sầm Công – Quảng Lạc, hai địa điểm nổi tiếng của doanh nhân Hoa kiều tại phố Tạ Hiện (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm). Hàng Việt Nam muốn đi ra nước ngoài thời đó chủ yếu đi qua đường biển, do chưa có những khoang hàng riêng biệt như các container bây giờ nên thường phải thuê trọn cả tàu chở hàng. Những doanh nhân Việt nhỏ lẻ không thể có lượng khách hàng nước ngoài lớn tới mức chất đầy được một con tàu hàng hóa, thuê trọn cả tàu chở hàng là nắm chắc thua lỗ. Vì thế, ông Bô thường xuyên có mặt tại Hải Phòng tìm hiểu và “truy ngược” các món hàng xuất khẩu của giới Hoa kiều, nhằm tìm người “chung lưng” thuê tàu. Thời gian đầu là thế, sau đó ông nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc trong giới doanh nhân, tập hợp được giới doanh nhân Việt ở Hà Nội, Nam Ðịnh, Hải Phòng… hợp tác với nhau trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Hiệu buôn Phúc Lợi của gia đình ông sản xuất và buôn bán với thương nhân nhiều nước Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Ấn Ðộ, Nhật Bản.

Tại Việt Nam bây giờ, người mạnh dạn nhất trong chuyện chiếm lĩnh thị trường nước ngoài như ông Bô không ai khác chính là doanh nhân Ðoàn Nguyên Ðức. Không phải vì ông tung tiền mua một phần CLB bóng đá hùng mạnh Arsenal của Anh quốc mà vì những hướng đầu tư kinh doanh tới các thị trường vô cùng lạ lẫm, ít người dám nghĩ tới.

Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar tọa lạc tại trung tâm Yangon có tổng mức đầu tư 440 triệu USD. Giai đoạn một thực hiện từ năm 2013 và đã hoàn thành giữa năm 2015, gồm một trung tâm thương mại, 2 khu văn phòng cho thuê 27 tầng và 429 phòng khách sạn 5 sao (cao 23 tầng). Với tư tưởng mạnh bạo, ông Ðức mong muốn, đây cũng sẽ là trung tâm văn hóa kinh tế của Việt Nam tại Myanmar: “Chúng tôi dành riêng hàng chục nghìn mét vuông để kêu gọi nhà đầu tư Việt Nam đến kinh doanh tại Yangon”.