Từ Moscow: Người Nga nhún vai và bước tiếp

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương Tây hẳn hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt của họ, ngoài việc làm suy yếu nước Nga, sẽ gửi một thông điệp tới Điện Kremlin rằng chiến dịch ở Ukraine phải dừng lại.

Nhưng điều đó dường như không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của người dân Nga - theo Nigel Li, sinh viên người Singapore đang học ngành Quan hệ quốc tế tại thủ đô Moscow.

(*) Báo Kinh tế & Đô thị xin gửi tới bạn đọc bản biên dịch bài viết “No more H&M and McDonald’s? Russians shrug and walk on” của tác giả Nigel Li - cây bút đang đóng góp cho Thời báo Đài Bắc, đồng thời là chủ kênh blog Một người Singapore ở Moscow. Các tiêu đề do người biên dịch đặt.

Hàng ngoại không phải là tất cả

“Như thường lệ, tôi đi bộ qua một trung tâm mua sắm ở Moscow. Cửa hàng của H&M tại đây đã đóng cửa và Uniqlo cũng vậy. McDonald's và Starbucks cũng không còn nữa. Nhưng nó không phải là điều gì đó quá ghê gớm kiểu “ngày tận thế”. Giống như hầu hết người ở Nga lúc này, tôi cũng nhún vai và bước tiếp.

Trước một cửa hàng ăn nhanh mới khai trương ở Moscow, thay thế cho chuỗi cửa hàng McDonald's đã ngừng hoạt động tại Nga do lệnh trừng phạt của phương Tây, tháng 6/2022. Ảnh: Gettty Images
Trước một cửa hàng ăn nhanh mới khai trương ở Moscow, thay thế cho chuỗi cửa hàng McDonald's đã ngừng hoạt động tại Nga do lệnh trừng phạt của phương Tây, tháng 6/2022. Ảnh: Gettty Images

Đã 5 tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Cộng đồng quốc tế lên án hành động của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến, đã có những sự hỗn loạn nhất định.

Xuất hiện hàng dài người chờ trước các ngân hàng khi đồng ruble giảm xuống chỉ còn 150 ruble/USD vào đầu tháng 3, nghĩa là mất gần một nửa giá trị, sau khi phương Tây loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đồng thời đóng băng dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Theo ước tính, gần 4 triệu người Nga đã rời khỏi đất nước trong những tháng đầu năm nay.

Nhưng nhờ các biện pháp kiểm soát vốn của Điện Kremlin, cùng với việc Nga tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt sang các quốc gia không bị trừng phạt như Trung Quốc và Ấn Độ, đồng ruble bật tăng trở lại, với mức cao gần đây là 52,3 ruble/USD từng là đỉnh vào mùa Hè năm 2015.

Sự thiếu hụt hàng hóa cũng là một thách thức lớn trong những ngày đầu của cuộc chiến. Đó là một không khí giống như những ngày đầu đại dịch Covid-19, khi người Nga đua nhau dọn sạch các kệ hàng bột mì, đường và giấy vệ sinh ở mọi siêu thị. Có thời điểm, các siêu thị đã phải áp dụng mức giới hạn 1kg đường cho mỗi hóa đơn mua hàng.

Bánh mì trắng, thường có giá khoáng 50 ruble/ổ trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, đã tăng lên mức cao 60 ruble. Lo sợ tình trạng thiếu hụt kéo dài, tôi cũng đã tích trữ các thực phẩm bảo quản đông lạnh và sấy khô, nhưng rồi những lo lắng đó nhanh chóng được xóa tan khi mọi thứ đi vào ổn định.

Đó là khi bánh mì, kiều mạch và thịt được sản xuất tại địa phương trở nên phổ biến hơn ở Nga. Giá của những nhu yếu phẩm này thực sự đã tăng, nhưng nếu so với giá của các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu từ nước ngoài thì chúng vẫn tương đối hợp túi tiền của người tiêu dùng hơn. Ví dụ, giá bánh mì ở Moscow hiện nay trung bình vào khoảng 26 ruble/ổ. Các nhà sản xuất bánh mì lớn của Nga đã thống nhất không tăng giá bán cho đến cuối năm nay.

Và cứ thế, khoảng trống của các thương hiệu cũng như hàng hóa ngoại nhập ở Nga cũng dần được lấp đầy bởi các thương hiệu trong nước. Đi qua một siêu thị của Nga lúc này, bạn sẽ thấy rằng nơi những chai Coca-Cola, Fanta và Sprite từng được bày bán giờ đây đã là các kệ trưng bày các sản phẩm mới của chính Nga sản xuất. Hồi tháng 5 năm nay, nhà sản xuất đồ uống địa phương Очаково đã cho ra mắt 3 sản phẩm mới là “Cool Cola”, “Fancy” và “Street”. Người dùng địa phương nhận xét với tôi rằng chúng không ngọt lắm, nhưng rẻ hơn.

McDonald's, sau khi tạm ngừng hoạt động ở Nga, đã bán các cửa hàng của mình cho bên được cấp phép là Вкусно и точка - nghĩa là “Ngon và thế là được”. Theo trải nghiệm của tôi khi dùng bữa tại chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này là mọi thứ thực tế đều giống như cũ.

Bên cạnh các DN “cây nhà lá vườn” thay thế các nhượng quyền thương mại nước ngoài, ngành nông nghiệp của Nga chứng minh họ hoàn toàn có thể giữ cho người dân đủ ăn. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc, xét tổng sản lượng toàn cầu, Nga hiện đứng đầu về lúa mạch và kiều mạch, đứng thứ 3 về lúa mì và thứ 5 thế giới về thịt gà.

Nhìn lại, người Nga vốn đã thích nghi với những tình huống kiểu “ngõ cụt” như thế. Trong thời kỳ Xô Viết, người dân đã chủ động trồng các loại cây như dưa chuột và bắp cải tại nhà để phòng bị trước tình trạng thiếu lương thực, phát sinh từ nền kinh tế kế hoạch. Theo nhà sử học Orlando Figes, những mảnh đất tư này chỉ chiếm 4% diện tích đất nông nghiệp của nước Nga vào những năm 1970, nhưng mang lại 40% sản lượng thịt lợn và gia cầm, 42% sản lượng trái cây và hơn một nửa lượng khoai tây của cả quốc gia lúc bấy giờ.

Một cách khác mà người Nga lúc này đang làm để tiếp tục đảm bảo nguồn cung là cho phép nhập khẩu song song, nhằm né tránh các lệnh trừng phạt, đặc biệt là đối với những mặt hàng nhắm vào thiết bị điện tử và công nghệ.

Đầu tháng 6 vừa qua, Quốc hội Nga đã thông qua Dự luật tạo điều kiện cho nhập khẩu song song, bằng cách giảm bớt các trách nhiệm pháp lý cho các công ty địa phương trong trường hợp họ nhập khẩu một số sản phẩm mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Chẳng hạn, nhà bán lẻ thương mại điện tử của Nga Wildberries vẫn tiếp tục có thể bán quần áo của Zara, mặc dù tập đoàn mẹ Inditex ở Tây Ban Nha đã đóng cửa tất cả các cửa hàng của hãng ở Nga.

Về cơ bản, nhập khẩu song song sử dụng các kênh phân phối thay thế nằm ngoài thẩm quyền của thương hiệu. Ví dụ, một nhà phân phối ở Trung Quốc có thể mua điện thoại iPhone của Mỹ và phân phối chúng đến các cửa hàng ở Nga. Tất nhiên, giá của những mặt hàng như vậy sẽ tăng lên ở Nga, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng sẽ không thể tiếp cận được”.

Thời gian sẽ có câu trả lời

“Phương Tây hẳn đã hy vọng rằng các lệnh trừng phạt của họ, ngoài việc làm suy yếu Nga, sẽ gửi một thông điệp tới Điện Kremlin rằng chiến dịch ở Ukraine phải dừng lại.

Nhưng một cuộc thăm dò do tổ chức nghiên cứu độc lập của Nga Levada Center thực hiện vào tháng 6/2022 cho thấy, 75% người dân được hỏi tin rằng Nga nên tiếp tục các hành động của mình bất chấp các lệnh trừng phạt, và 74% cho rằng mục tiêu của các lệnh trừng phạt này là để “làm bẽ mặt Nga”. Cũng theo cuộc thăm dò, Tổng thống Vladimir Putin hiện có tỷ lệ được ủng hộ ở mức 83%, tăng từ 65% vào tháng 12 năm ngoái.

“Chính phủ gọi đó là “chiến dịch quân sự đặc biệt” là một cách nói giảm, nói tránh” - một người Nga nói với tôi - “Để gọi nó là một cuộc chiến nghĩa là chúng ta sẽ phải hy sinh, có thể là những hy sinh mà nhiều người trong chúng ta chưa sẵn sàng thực hiện”.

Nhưng một điều chắc chắn là các biện pháp trừng phạt kinh tế khó có thể khiến Nga quỳ gối. Đất nước và người dân nơi đây đã vượt qua những cơn bão khốc liệt hơn lúc này, từ các cuộc xâm lược của Mông Cổ đến phát-xít Đức, từ cuộc Cách mạng Tháng Mười đến những năm 90 rối ren, vô pháp. Các nhà hoạch định chính sách tìm cách đối phó với Nga cần hiểu rằng, mục tiêu của chính quyền Putin không phải chỉ dừng lại ở việc đạt được Russky Mir (tạm dịch: Thế giới Nga).

Thời gian sẽ trả lời câu hỏi, liệu Nga có thể thực sự vượt qua các lệnh trừng phạt này hay không? Một cuộc xung đột kéo dài cuối cùng sẽ khiến mọi hệ thống và con người phải kiệt sức, giống như những gì đã xảy ra với Liên Xô vào năm 1991. Lạm phát tại Nga dự kiến sẽ tăng 14,5%, với GDP dự kiến sẽ giảm 8 - 10%.

Nhưng ở đây, ngay tại thủ đô Moscow, cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Đối diện với nơi từng là cửa hàng H&M, một khu thời trang mới đã được thành lập bởi trung tâm mua sắm. Những người mua vẫn vui vẻ ngắm nghía và sống mà không cần nghĩ đến chiến tranh vào lúc này.