Tử vong vì rượu chứa methanol vượt ngưỡng

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc 8 người tử vong sau đám ma tại Lai Châu do sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Ngay sau đó, đến sáng 16/2, tại huyện Su Phì, tỉnh Hà Giang cũng có tới 87 người phải nhập viện sau bữa cỗ đám cưới. Mặc dù chưa có kết luận của cơ quan điều tra nhưng trong bữa cỗ mà 87 người này ăn có sử dụng loại rượu sắn. Những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ngộ độc methanol trong rượu.
Methanol gấp hàng nghìn lần cho phép
Kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu rượu mà Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải có hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 1000, 556.000 mg/l cồn 1000 và 475.000 mg/l cồn 1000. Hàm lượng này gấp tới hàng nghìn lần hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.  Liên quan đến vụ việc này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, sáng 16/2, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã lập đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chống độc, thần kinh, thận nhân tạo, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, do GS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc BV dẫn đầu lên BV Đa khoa tỉnh Lai Châu để hỗ trợ y tế địa phương điều trị cho các nạn nhận bị ngộ độc. Được biết, trong số các bệnh nhân từ vụ ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại BV tỉnh Lai Châu, có nhiều trường hợp phải lọc máu.

Các bệnh nhân bị ngộ độc rượu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Ảnh: Công Hải 

Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước có tới hơn 400 ca ngộ độc rượu, nhiều ca ngộ độc nặng khiến bệnh nhân suy thận, thậm chí tử vong. Hầu hết các ca này đều liên quan đến rượu chứa methanol. Tại Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai những ngày gần đây vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu mới. Tại khoa Cấp cứu – BV Bạch Mai, từ Tết Nguyên đán đến nay cũng có gần 100 trường hợp được đưa vào cấp cứu vì bị nôn ra máu, nhập viện trong trạng thái lơ mơ, không tỉnh táo, trong người có hơi men. Đáng chú ý, khoảng 1/4 trong số này bị ngộ độc nặng, có chảy máu đường tiêu hóa liên quan đến rượu chứa methanol, nhiều trường hợp còn trẻ tuổi.
Thận trọng với rượu giả
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, đa số trường hợp ngộ độc rượu nặng vào cấp cứu là do ngộ độc methanol sau khi uống các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với cách uống rượu “vô tội vạ”, không kiểm soát như một số người hiện nay, tình trạng ngộ độc rượu chắc chắn sẽ còn tiếp tục gia tăng, nhất là trong thời điểm đầu năm như hiện nay. Rượu có chứa hàm lượng methanol cao là rượu được pha từ cồn công nghiệp hoặc dùng nguyên liệu có lẫn bã (gỗ). Trong quá trình lên men chưng cất, bã sẽ phân hủy cho ra methanol. Cũng có thể, đó là rượu chế từ loại cồn ethylic kém chất lượng chứa nhiều methanol, aldehyde, aceton.
Thông thường nồng độ methanol trong máu ở ngưỡng 20mg/dl đã đe dọa tổn thương thần kinh nhưng những bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp thì thường từ 120 - 200mg/dl. Nhiễm độc methanol bắt đầu xuất hiện từ 18 - 24 giờ sau khi uống phải hóa chất này với các biểu hiện rối loạn thị giác từ nhìn mờ đến không nhìn thấy hoàn toàn. Trường hợp nhiễm độc nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, suy thở, tụt huyết áp nặng, ngưng tim và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu chứa cồn công nghiệp, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải quản lý chặt các nguồn rượu này. Ngoài ra, khi nghi ngờ nạn nhân bị ngộ độc methanol cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Tại Hà Nội, để đề phòng các trường hợp ngộ độc methanol trong rượu, Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP  TP và các quận, huyện trong các buổi đi kiểm tra đều lấy ngẫu nhiên các mẫu rượu trên thị trường để kiểm tra và thu hồi nếu phát hiện sai phạm. Cùng với đó, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tập trung vào mặt hàng rượu, bao gồm cả rượu công nghiệp và rượu tự nấu.