Từ vụ Cô giáo phạt tát học sinh 231 cái: Cốt lõi vẫn là bệnh thành tích

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Ninh, Quảng Bình ra quyết định khởi tố hình sự cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy - trường THCS Duy Ninh vì phạt tát học sinh (HS) 231 cái.

Ngành giáo dục huyện Quảng Ninh cũng đã ra văn bản đình chỉ công tác 15 ngày đối với cô Thủy. Từ sự việc này, nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị Bộ GD&ĐT thay đổi tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia để tránh bệnh thành tích.
Nên cho ra khỏi ngành

Cách đây hơn chục ngày, cô giáo N.T.T. - trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) phạt một em HS nói chuyện trong giờ học bằng việc tự tát vào mặt mình. Cô N.T.T. sau đó đã bị kỷ luật khiển trách, cắt thi đua, loại ra khỏi danh sách đào tạo cán bộ quản lý kế cận trong năm học 2018 – 2019. Sự việc tương tự lại xảy ra tại Quảng Bình khi cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy cùng với 23 HS trong lớp đã tát em L.N. 231 cái khiến em này phải nhập viện cấp cứu. "Giáo viên phạt tát HS là vi phạm rất nghiêm trọng, cần đưa ra khỏi ngành để làm gương cho tất cả mọi người” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị.
 Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy. Ảnh: Trithuctre
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với việc không thể để cô giáo phạt tát HS tiếp tục giảng dạy. Thậm chí, có người cho rằng, hành vi này nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì gây ra thương tích cho HS cả về thể chất lẫn tinh thần.
Loại bỏ bệnh thành tích

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nội dung chỉ thị khá chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể để giáo viên thực hiện. Trong khi đó, các chế tài chưa đủ mạnh nên bạo lực học đường vẫn xảy ra. Đối với bạo lực học đường cần có chế tài mạnh hơn, nặng nhất là đình chỉ dạy dài hạn.

Từ vụ việc này, vấn đề nổi lên là căn bệnh thành tích đang trở thành áp lực đối với giáo viên, nhà trường. Vì thành tích mà nhiều giáo viên đã bỏ qua quy định đạo đức nhà giáo, gây áp lực đối với học sinh bằng mọi giá. Theo TS Trần Thành Nam, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể là đưa ra tiêu chí đánh giá chất lượng của nhà trường dựa trên cảm nhận hạnh phúc của học trò hoặc sự yêu thích của HS khi đến trường. Trước đây, để đạt được trường chuẩn quốc gia dựa trên cơ sở vật chất, diện tích, có bao nhiêu HS giỏi thì giờ đây cần đánh giá cả phẩm chất đạo đức của người thầy. Hiện nay, đã có những trường lấy chỉ số hạnh phúc và sự tiến bộ của học trò so với bản thân trước đó để đánh giá chất lượng của trường.

Để tránh cho giáo viên bị áp lực với thành tích, nhiều ý kiến đề nghị tới đây, Bộ GD&ĐT điều chỉnh các tiêu chí phù hợp. Hiệu trưởng cũng cần thay đổi nhận thức, không thể đánh giá giáo viên dạy giỏi là lớp học im phăng phắc. Bởi chúng ta đang dạy HS phát triển năng lực đồng nghĩa với trong giờ học các em phải có trao đổi, thảo luận, phản biện ý kiến của thầy cô để có thể phát triển được tính sáng tạo.