Tuần đầu học sinh Hà Nội trở lại trường: Ứng phó linh hoạt trong phòng dịch và phương thức đào tạo

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp ứng biến khác nhau, trong đó có việc điều chỉnh môn học, khối lớp, chú trọng dạy học trực tuyến để đảm bảo kết thúc chương trình như dự kiến.

Linh hoạt việc đo thân nhiệt
Theo bà Vũ Thị Thu Hà - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên, sau ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, các cơ sở giáo dục đã tổ chức rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương án tổ chức kiểm tra sức khỏe. Cụ thể, ở nội dung kiểm tra thân nhiệt, các trường được yêu cầu đo nhiệt độ cho học sinh dọc theo hành lang các tòa nhà, trước cửa lớp học. Bởi vào các buổi chiều, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, để học sinh xếp hàng ngoài trời sẽ không đảm bảo sức khỏe, an toàn học sinh.
Tương tự, tại trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, lãnh đạo nhà trường đã chuyển hoạt động kiểm tra thân nhiệt cho học sinh từ khu vực cổng trường sang các khu vực cầu thang, hành lang và cửa lớp học, không để các em phải xếp hàng chờ trong thời tiết nắng nóng.
Học sinh trường THPT Mê Linh trong ngày đầu học tập sau thời gian tạm nghỉ do dịch. Ảnh: Phạm Hùng
Đánh giá việc kiểm tra thân nhiệt học sinh là đặc biệt quan trọng, giúp ngăn ngừa ngay từ “vòng ngoài” các trường hợp có thể mắc bệnh, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đề nghị các cơ sở giáo dục tổ chức đo nhiệt độ từ ngoài khu vực cổng trường.
“Có thể đo nhiệt độ bên ngoài học sinh sẽ bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng, nhưng chúng tôi sẽ chuẩn bị thiết bị che chắn, như cắm ô che ở khu vực này. Như thế, giả thiết có trường hợp phát hiện học sinh có thân nhiệt cao, sẽ tổ chức cách ly ngay từ bên ngoài, tránh tình huống có thể lây lan trong môi trường phòng học” - ông Phạm Ngọc Anh nói thêm.
Phát huy hiệu quả của mô hình dạy trực tuyến
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, lý do học sinh được trở lại trường là dịch bệnh cơ bản đã được khống chế. Tuy vậy, trên thực tế, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, vì vậy toàn ngành cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, bảo vệ an toàn cho học sinh, giáo viên.
“Các trường cần lưu ý cách bố trí, sắp xếp học sinh trong từng lớp học bảo đảm an toàn. Các thầy cô cần để ý tới học sinh trong quá trình sinh hoạt, vui chơi trong nhà trường. Chúng ta làm nghiêm nhưng tùy vào tình hình, điều kiện để thực hiện, tránh làm máy móc. Ngoài ra, sau thời gian nghỉ dài với không ít khó khăn, áp lực, mỗi nhà trường cần quan tâm hỗ trợ tâm lý cho học sinh, giáo viên” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Về việc triển khai kế hoạch năm học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, 1 - 2 tuần đầu học sinh đi học trở lại, các nhà trường cần tập trung rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian nghỉ dịch, từ đó có kế hoạch củng cố lại kiến thức đã học, trang bị kiến thức mới.
“Ngoài lớp 9, lớp 12, các khối lớp khác có thể xem xét kéo dài nội dung học tới đầu năm học mới nếu cần thiết. Đề kiểm tra, đề thi học kỳ 2 phải có nội dung phù hợp, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết” - Bộ trưởng lưu ý.
Đánh giá về tầm quan trọng của mô hình dạy, học trực tuyến, trên truyền hình, người đứng đầu ngành giáo dục nhận định, phương pháp đào tạo này không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là cơ hội để hướng tới nền giáo dục số.
 Kiểm tra thân nhiệt là yêu cầu bắt buộc trước khi học sinh vào lớp. Ảnh: Bảo Trọng
Theo Bộ trưởng, với việc triển khai dạy học trực tuyến thời gian qua, học sinh có ý thức tự học, giáo viên nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, tương tác giữa gia đình và nhà trường hiệu quả. Qua thực tiễn dạy học trực tuyến phải được rút ra bài học và thành quả của việc này để tiếp tục duy trì.
Ưu tiên mở lớp dành cho học sinh khối 9, 12
Liên quan nội dung điều chỉnh lớp, khối học, nhiều nhà trường đã điều chỉnh cho học sinh khối 9, 12 đi học đủ các buổi sáng trong tuần, các khối khác sẽ tổ chức học cách nhật hoặc tách ca. Đơn cử như địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Trưởng Phòng GD&ĐT Phạm Ngọc Anh cho biết, các cơ sở giáo dục đã được yêu cầu điều chỉnh phòng học, ưu tiên học sinh khối 9, đảm bảo học sinh khối này được đến trường học, kịp hoàn thành chương trình THCS và ôn thi vào lớp 10 THPT. Một số môn học, hoạt động tự chọn sẽ được chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến. Giải pháp này cũng được áp dụng ở quận Hà Đông.
Theo đó, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT cho hay, đã đề nghị các cơ sở giáo dục xem xét dạy trực tuyến một số môn học như Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục công dân để nhường thời gian đến trường cho một số môn căn bản, cần sự tương tác trực tiếp với giáo viên.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong 2 ngày, gồm các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm 3 môn thành phần là Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Còn với bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm 3 môn thành phần Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, áp dụng với thí sinh là học sinh giáo dục THPT và gồm 2 môn thành phần Lịch sử, Địa lý áp dụng với thí sinh là học viên hệ giáo dục thường xuyên.

Thời gian làm bài thi với môn Ngữ văn là 120 phút, môn Toán 90 phút, môn Ngoại ngữ 60 phút; bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần (tổng 3 môn là 150 phút).