Tương quan Mỹ - Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tín hiệu về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đang rất khả quan. Các chuyên gia đã phân tích về các yếu tố quan trọng trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử.

Tính cách “bất thường” của ông Trump khiến cuộc gặp thượng đỉnh thành sự thực
Trả lời Kinh tế&Đô thị, ông Denny Roy, thuộc Trung tâm nghiên cứu East - West, có trụ sở tại Hawaii (Mỹ) nhận định, chính hành động khó đoán trước, sử dụng ngôn ngữ hiếu chiến là cách tiếp cận thông thường của Tổng thống Trump trong cả chính sách đối ngoại và đối nội. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những điều khiến ông Trump bị chỉ trích lại mang lại lợi thế cho Mỹ.
 
Tổng thống Mỹ đương nhiệm là tổng hợp của những sự “bất thường” với một Tổng thống như thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề đối ngoại, phong cách lãnh đạo dựa trên kinh nghiệm trong các chương trình truyền hình thực tế và công việc buôn bán bất động sản.
Những phát biểu của Tổng thống Trump trên truyền thông công cộng dường như dựa trên cảm xúc hơn là tính toán chiến lược, ông Trump cũng có xu hướng làm theo ý định cá nhân hơn là lời khuyên của chuyên gia; không quan tâm đến việc xây dựng hoặc duy trì danh tiếng của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự chống lại kẻ thù của Mỹ hơn bất kỳ vị Tổng thống nào.
Những lý do này dường như khiến Bình Nhưỡng tin rằng ông Trump thực sự có thể chọn sử dụng lực lượng quân sự chống lại để ngăn chặn Triều Tiên triển khai tên lửa hạt nhân. “Ông Trump đã thực hiện hiệu quả chính xác những gì Bình Nhưỡng đã thực hiện với Washington - dùng lời lẽ đe dọa, hành động bất ngờ”, ông Denny Roy lý giải.
Triều Tiên ở chiếu dưới?
Theo ông Denny Roy, Bình Nhưỡng không hề yếu hơn Washington trong các cuộc đàm phán, vị thế của nước này được cải thiện khi mối quan hệ Bình Nhưỡng-Bắc Kinh được cải thiện bởi điều này đồng nghĩa là áp lực trừng phạt có thể giảm bớt.

Trong khi đó, ông Derek Grossman, nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu RAND nhận định, những thông tin về vũ khí hạt nhân và khả năng vận hành tên lửa liên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ là “ưu thế” của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ông Grossman đồng tình rằng, tình trạng thực sự của nền kinh tế Triều Tiên sẽ là yếu tố quan trọng trong cuộc đàm phán. Trong trường hợp kinh tế nước này thực sự bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, ông Kim Jong-un có thể phải thỏa hiệp nhiều hơn. Vì vậy, tình trạng thực sự của nền kinh tế Triều Tiên là ẩn số quan trọng, nhà nghiên cứu nói với Kinh tế&Đô thị. Thực tế, thông tin về cuộc sống ở Triều Tiên luôn là một bí ẩn với thế giới do lượng thông tin ít khi được đưa ra ngoài.
Các kịch bản cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử
Theo nhà nghiên cứu Denny Roy, giống như Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng muốn hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Bình Nhưỡng đưa ra một tuyên bố bình tĩnh với chính phủ Mỹ sau khi ông Trump tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh là một cử chỉ hòa giải bất thường.
 
Câu hỏi cho các cuộc đàm phán là làm thế nào để giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, Washington suy nghĩ về các lựa chọn, bao gồm cả một cuộc tấn công quân sự.
Ông Derek Grossman nhận định, cả Washington và Bình Nhưỡng đều muốn hội nghị thượng đỉnh này diễn ra. Ông Trump thật sự muốn hội nghị thượng đỉnh xảy ra, với hy vọng rằng ông có thể mang lại một bước đột phá lớn cho sự nghiệp chính trị. Ông rất muốn hội nghị thượng đỉnh diễn ra và ông trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên cũng như một người hòa giải xứng đáng với giải thưởng Nobel Hòa bình.
Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt kỳ vọng, hội nghị thượng đỉnh sẽ được xem là sự công nhận hợp pháp vị trí lãnh đạo của ông với các nước phương Tây và tìm hiểu xem liệu có thể có một thỏa thuận cho phép Bình Nhưỡng giữ các năng lực hạt nhân và tên lửa cốt lõi trong khi vẫn được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, ông Trump và ông Kim Jong-un rõ ràng có những mục tiêu khác nhau cho một hội nghị thượng đỉnh. Trong khi Mỹ muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên lại tìm cách giảm bớt trừng phạt nhưng vẫn giữ vũ khí hạt nhân. Vì vậy, một thỏa thuận phi hạt nhân hóa ít khả năng đạt được trong ngắn hạn.