Tuyến cao tốc Hạ Long – Móng Cái phòng chống ngập trước mùa mưa bão

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chủ động ứng phó trước mùa mưa bão, Chủ đầu tư ( Công ty CP BOT Biên Cương, Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn) thực hiện nhiều biện pháp phòng chống tại tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Tuyến đường quan trọng của tỉnh Quảng Ninh

Được biết, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Quảng Ninh dài 80km, vận tốc thiết kế 120km/h, có tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh quản lý đoạn Vân Đồn – Tiên Yên có chiều dài 16,6 Km, Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn quản lý đoạn Tiên Yên – Móng Cái 63,2 Km.

Đây là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 176km, hoàn thành vào năm 2022. Do mới thi công trên nền địa chất mới, khu vực tuyến đường đi qua sẽ có nhiều biến đổi… Năm đầu đưa vào khai thác sử dụng nên tuyến đường được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Trạm thu phí Tiên Yên tại tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh Vĩnh Quân
Trạm thu phí Tiên Yên tại tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh Vĩnh Quân

Ngày 16/5, trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn, chủ đầu tư đoạn cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, cho biết với kinh nghiệm trong việc khai thác cũng như quản lý  tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, thời gian qua Công ty đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhấp những ảnh hưởng từ mưa bão.

Đồng thời, đảm bảo tối đa cho các phương tiện lưu thông trên toàn tuyến, tránh rủi ro trong mùa mưa bão. Phía Công ty đã chủ động phối hợp với các Sở ban ngành, cơ quan chuyên môn đánh giá, lên kịch bản giả định các tình huống có thể xảy ra để triển khai ngay mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Công nhân Công ty CP BOT Biên Cương, Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn) đang thực hiện khơi thông trên tuyến cao tốc. 
Công nhân Công ty CP BOT Biên Cương, Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn) đang thực hiện khơi thông trên tuyến cao tốc. 

Vì tuyến Vân Đồn – Móng Cái mới đưa vào khai thác, hệ thống mái ta luy phức tạp, địa chất vẫn đang trong quá trình biến đổi, do đó nguy cơ mất an toàn vẫn có thể xảy ra.

Trước thực tế đó, từ tháng 4/2023, đơn vị đã triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn khai thác tuyến trong mùa mưa bão; chủ động, sẵn sàng các phương án đối phó với phương châm “3 trước: chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước và 4 tại chỗ lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ” của các đơn vị quản lý, trực cao tốc dọc tỉnh kéo dài từ cầu Bạch Đằng đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ đảm bảo thông suốt, ngay cả trong những ngày mưa bão lớn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, du khách đi lại an toàn; kết nối nhanh, hiệu quả giữa các vùng trong tỉnh nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH và tăng trưởng chung của tỉnh.

Chủ động phương án phòng chống trước mùa mưa bão

Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn đã chủ động lập phương án phòng, chống, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình bão lụt. Phân công nhiệm vụ và xử lý kịp thời các tình huống đảm bảo an toàn về con người  và cơ sở vật chất, trang thiết bị trên công trường; Phối hợp chặt chẽ với ban phòng chống lụt bão của địa phương để có phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra mưa lũ; Tổ chức thường trực chỉ huy công tác ứng phó thiên tai; tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công nhân đang thực hiện khơi thông tại đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. 
Công nhân đang thực hiện khơi thông tại đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. 

Trực tiếp nắm bắt chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của UBND tỉnh, để kịp thời chỉ đạo cho các thành viên trong Ban và các Nhà thầu từ đó phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban, giám sát việc thực hiện kế hoạch phân công của từng thành viên. Các thành viên thuộc nhà thầu cần chủ động phối hợp với chính quyền, lực lượng phòng chống lụt bão của địa phương, chịu trách nhiệm an toàn về con người và thiết bị trong phạm vi gói thầu mình quản lý. Chỉ đạo các Trạm thu phí thực hiện: Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão. Có phương án dự trữ lương thực thực phẩm như xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, y tế và cấp cứu tại chỗ.

Đảm bảo thông tin liên lạc giao thông trong mọi tình huống. Đảm bảo vật tư, máy móc thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của bão lụt.

Chủ động mọi tình huống có thể xảy ra trước mùa mưa bão.
Chủ động mọi tình huống có thể xảy ra trước mùa mưa bão.

Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất để có phương án và biện pháp phòng, chống lụt bão hiệu quả, các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở ngập úng. Xây dựng phương án phân làn phương tiện di chuyển an toàn qua những nơi xảy ra sự cố, đồng thời kiểm tra thực hiện chằng chống gia cố các pa-nô và giằng néo tất cả các cửa sổ, cửa chính các phòng ở, phòng làm việc tại các trạm thu phí.

Các đơn vị phải phát huy cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt phòng chống lụt bão, xây dựng phương án, kế hoạch thường xuyên kiểm tra phát hiện xử lý ngay các vấn đề phát sinh.

Các thành viên Ban Chỉ huy thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống lụt, bão của các đơn vị nhà thầu.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương và các tổ chức, đoàn thể liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, theo dõi sát diễn biến của bão, lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Tuyên truyền, giáo dục nhận thức các cán bộ, công nhân về công tác phòng, chống thiên tai.

Đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến.
Đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Có phương án huy động nguồn lực tại chỗ phục vụ công tác phòng chống lụt bão khi cần thiết.

Đôn đốc toàn thể cán bộ, công nhân có trách nhiệm tham gia phòng chống lụt, bão và chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh điều động của Trưởng ban chi huy phòng chống lụt bão cũng như thành viên của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão trực tiếp và phụ trách.

Các thành viên trong Ban phòng chống lụt bão chịu trách nhiệm triển khai, kiểm tra, đôn đốc công việc phòng chống lụt bão theo sự phân công.

Tổ chức và triển khai khắc phục hậu quả sau bão, giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc y tế bảo vệ người và tài sản.

Các trạm thu phí thống kê, lập biên bản những hư hỏng, thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người… Kịp thời có phương án, kế hoạch khắc phục hậu quả, tu sửa những thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện làm việc. Ổn định nhanh các hoạt động, trong đó chú trọng đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến.