Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017: Trường top trên dự báo điểm chuẩn cao

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Hiên chưa có thông tin về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 cũng như phổ điểm thi, nhưng các trường đại học (ĐH) top trên dự đoán những ngành hút thí sinh (TS) sẽ có điểm chuẩn cao ngang bằng hoặc nhỉnh hơn năm ngoái.

Phổ điểm trung bình sẽ là 18?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH năm nay không quá chênh lệch so với năm trước. Năm nay, mỗi đề thi trắc nghiệm được thiết kế 60% câu hỏi cơ bản và 40% nâng cao nhằm phân hóa TS.

Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu cho biết, có ít điểm tuyệt đối hơn năm trước, phổ điểm thi sẽ tăng lên một chút để tạo thuận lợi cho TS và các trường xét tuyển sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại trường THPT Việt Đức. Ảnh: Phạm Hùng

Với cách thi trắc nghiệm, mỗi TS một mã đề riêng, các chuyên gia rất khó phán đoán phổ điểm. Song bằng kinh nghiệm nhiều năm làm tuyển sinh, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, điểm thi ở mức trung bình là 18, trung bình khá 21. Cách thiết kế đề thi 60% câu hỏi căn bản thì rất nhiều em tin tưởng làm được tới 70%. Với việc năm nay, Bộ GD&ĐT thông báo bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, sau đó quyết định giữ lại để xã hội đánh giá, nhiều chuyên gia cho biết: Điểm sàn không có ý nghĩa với khối trường ĐH top đầu, bởi họ luôn lấy điểm chuẩn vào các ngành cao hơn nhiều so với ngưỡng Bộ GD&ĐT quy định. Đối với TS, nếu không đạt ngưỡng điểm sàn, sẽ xét tuyển sinh bằng kết quả học lực THPT vẫn có cơ hội trúng tuyển cao khi nhiều trường ĐH top dưới nhận hồ sơ ở mức điểm tối thiểu.

Ngành xã hội cần sẽ lấy điểm cao
Với cách lập ma trận đề thi, sẽ có những TS đạt kết quả cao nhưng điểm tuyệt đối không nhiều như năm trước, vì có một số câu hỏi khó ở cuối đề chỉ TS giỏi mới làm được.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Bùi Văn Ga

“Nếu mức độ đề thi giống năm ngoái và phương thức xét tuyển như năm nay, điểm trúng tuyển có thể cao hơn từ 0,5 - 1 điểm. Điểm xét tuyển sinh của trường vẫn ở top cao nhất” - Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương Lê Việt Anh nhận định. Đồng thời cho biết, những ngành TS thích và đăng ký nhiều là Kinh tế đối ngoại, Kinh tế, Kinh tế quốc tế. Lý do bởi nhân lực trong những lĩnh vực này luôn được xã hội cần, chứ không chịu tác động mùa vụ như các ngành khác.

Với ĐH Bách khoa Hà Nội, những nhóm ngành TS đăng ký nhiều vào trường vẫn là Điện, Công nghệ thông tin, Điều khiển và tự động hóa, Cơ điện tử. “Việc đăng ký ngành của TS và gia đình gắn với việc làm rất cao. Thứ nữa, các em có nhu cầu làm việc ngay khi ra trường với mức lương tương đối tốt. Vì thế, năm nay, những nhóm ngành này có điểm chuẩn cao nhất” - ông Điền thông tin.

Theo thống kê sơ bộ, ĐH Kinh tế quốc dân nằm trong top trường có số nguyện vọng đăng ký nhiều và nguyện vọng 1 cũng cao hơn năm trước với hơn 11.000. Từ những thông tin đã có, ông Triệu dự tính biến động về điểm chuẩn không nhiều. Những ngành năm ngoái nằm trong top đầu có điểm trúng tuyển cao, năm nay vẫn như vậy. Cụ thể là Kinh tế quốc tế, Kế toán có lượng TS đăng ký nhiều mà chỉ tiêu không lớn thì điểm trúng tuyển sẽ cao.

Học viện Ngân hàng có hơn 30.000 nguyện vọng đăng ký, trong đó nguyện vọng 1, 2 lớn hơn tổng chỉ tiêu của trường. Theo ông Phạm Quốc Khánh - Trưởng phòng Đào tạo, nhà trường đang chờ đợi đợt điều chỉnh tới đây sẽ có thông tin sát thực hơn với nhu cầu thực tế của người học. “Điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường có thể lớn hơn hoặc bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT, vì còn phụ thuộc vào địa điểm tuyển sinh của Học viện ở Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Yên. Hiện, những ngành truyền thống có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều là Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Kinh doanh” - ông Khánh cho biết. Còn điểm chuẩn cao hay thấp phụ thuộc vào chỉ tiêu của từng ngành. Thực tế những năm qua, điểm trúng tuyển của các ngành trong Học viện rất gần nhau. Tới đây, TS còn được điều chỉnh nguyện vọng với cơ chế được đăng ký thoải mái, nên Học viện kỳ vọng có điểm chuẩn ổn định.

Công bố điểm thi phải thuận tiện nhất cho thí sinh

Ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia báo cáo kết quả sơ bộ về công tác chấm thi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay Bộ đang đối chiếu, rà soát, chấm lại toàn bộ các bài thi trắc nghiệm để so sánh với kết quả chấm của các địa phương đảm bảo chuẩn xác và sẵn sàng công bố điểm vào ngày 7/7. Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay sau khi điểm thi được công bố chính thức trên website của các sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông và nhà mạng hỗ trợ, cung cấp thông tin miễn phí về kết quả thi và tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ngoài việc công bố điểm thi phải thuận tiện nhất cho thí sinh, Bộ GD&ĐT tiếp tục theo dõi sát tình hình; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và nhà trường trong việc xét tuyển. (Thủy Trúc)