Tuyển sinh đầu cấp: Trường tư lách luật, chấp nhận chịu phạt

Nguyễn Đặng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù theo quy định của Sở GD&ĐT, đầu tháng 7/2018, các lớp đầu cấp mới được nhận hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều trường tư thục cho biết họ đã tuyển sinh (TS) xong.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, tính đến năm học 2017 - 2018, khối trường tư thục có 242 trường tiểu học, tương ứng 7.067 lớp, 159.697 học sinh và 52 trường THCS với 2.202 lớp, 60.597 học 
Chấp nhận chịu phạt
Thông tin tại Hội thảo tuyển sinh trường tư thục, thực trạng và giải pháp diễn ra ngày 26/4 tại Hà Nội, lãnh đạo nhiều trường tư thục cho biết, các trường đã âm thầm thực hiện xong việc TS đầu cấp, dù thời gian nhận hồ sơ theo quy định của Sở GD&ĐT còn 2 tháng nữa.

Giải thích lý do này, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường dân lập Marie Curie Hà Nội cho biết, năm học 2018 – 2019, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT đã có những điều chỉnh rất quan trọng, gỡ khó cho các trường “top” trong việc TS đầu cấp, tuy nhiên, quy định “cứng” về thời gian xét tuyển chưa hợp lý.
Theo đó, thời gian TS đầu cấp bắt đầu từ 1/7. Cụ thể, với hình thức trực tuyến, thời gian TS vào lớp 1 từ ngày 1- 3/7, TS trẻ 5 tuổi vào trường mầm non từ 4 - 6/7, TS vào lớp 6 từ 7 - 9/7; thời gian TS theo hình thức trực tiếp từ 13 - 18/7. “Nếu cứ đóng khung các trường cùng một thời gian như thế sẽ làm mất cơ hội của học sinh và các trường gặp khó khăn. Nhiều trường lượng hồ sơ nộp vào gấp nhiều lần chỉ tiêu, sẽ phải loại, trong khi thời gian xét tuyển các trường cùng nhau, học sinh bị loại trường này sẽ không còn cơ hội xét tuyển trường khác” – ông Khang phân tích.
Ông Khang cũng cho biết, tại buổi gặp gỡ phụ huynh vừa qua, tất cả phụ huynh trường Marie Curie đều đồng ý sẽ nhập học cho con vào lớp 1 từ 4 - 6/5 (trước thời gian quy định 2 tháng). “Với cách làm này, nếu trẻ không được nhận vào trường Marie Curie vẫn có thể nộp hồ sơ vào các trường công lập hoặc tư thục khác mà họ mong muốn. Vì quyền lợi cao nhất của học sinh, cha mẹ học sinh, chúng tôi sẵn sàng chịu sự khiển trách của Sở, Bộ và các ban, ngành vì làm trái quy định thời gian TS” – ông Khang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hiền – người sáng lập hệ thống giáo dục Đoàn Thị Điểm cho biết, số hồ sơ xét tuyển của trường đã lên tới 2.000, trong khi đó, trường chỉ tuyển 500 em. “Nếu đợi đến 1/7 mới bắt đầu xét tuyển, thì số lượng hơn 1.500 học sinh không thể vào Đoàn Thị Điểm học sẽ phải đi đâu trong khi các trường khác đã xong hồ sơ. Chính vì vậy, hầu hết các trường đều có động thái TS trước, chấp nhận kỷ luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh” – bà Hiền bày tỏ.

“Vòng kim cô” tự chủ

Phải “lách luật” chịu phạt để TS, theo lãnh đạo nhiều trường tư thục, là điều bất khả kháng khi cơ chế tự chủ dành cho các trường dù đã có nhưng còn... nửa vời. Bà Văn Liên Na – Phó Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều cho rằng, nếu tự chủ mà phải nằm trong khuôn khổ nhất định thì không còn là tự chủ. “Điều mà ai cũng thấy là trường tư phải tự lập hoàn toàn mọi mặt. Chính vì vậy, việc tuyển sinh cần được tự chủ về phương thức và thời gian giúp trường và phụ huynh không gặp khó khăn” – bà Na cho biết.
Thừa nhận điều này, GS Nguyễn Lân Dũng - thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia cho rằng, lãnh đạo địa phương quy định cứng thời gian nhằm mục đích hạn chế các trường TS ồ ạt thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, cũng phải có cơ chế phù hợp để khối trường tư được chủ động tuyển được học sinh.
Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, cần linh hoạt hơn, sửa đổi những quy định cứng, trao quyền tự chủ về phương thức và thời gian tuyển sinh cho các trường. “Tôi thấy không chỉ học sinh, phụ huynh có con vào đầu cấp cũng đang căng thẳng, mệt mỏi không cần thiết. Chưa bao giờ người học phải chịu áp lực lớn như hiện nay. Ngành giáo dục nên đứng trên quan điểm quyền lợi của người học để điều chỉnh những chính sách chưa hợp lý” – bà Minh nói.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, chủ trương của Bộ là cho phép các trường tự chủ về phương thức và thời gian trong các phương án TS đưa lên Sở và cấp địa phương phê duyệt. Trong thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho các trường, Sở thuận lợi hơn trong việc xét tuyển đầu cấp.