Tuyên truyền viên nhí: Hiến kế xây dựng văn hóa giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ thơ như tờ giấy trắng. Ngay từ nhỏ các em đã được dạy dỗ những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, cách ứng xử có văn hóa với người khác, trong đó có văn hóa giao thông.

Rất nhiều câu chuyện hay, hành vi chưa đẹp của người lớn khi lưu thông trên đường được các “tuyên truyền viên nhí” kể lại bằng ngôn từ sống động tại cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô" năm 2016, khiến người lớn phải giật mình suy ngẫm. Kinh tế & Đô thị trích đăng một số ý kiến thể hiện góc nhìn của các em học sinh về vấn đề ATGT.
Tiếng thở dài của chú cảnh sát
 Cảnh sát giao thông đội 3 làm nhiệm vụ tại ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ. Ảnh: Thanh Hải
Nếu được vẽ một bức tranh tại ngã tư Láng Hạ – Giảng Võ vào thời điểm tan tầm, em sẽ vẽ cảnh hàng trăm chiếc xe máy, ô tô đan vào nhau như mắc cửi. Xa xa, một chú CSGT tất tả ngăn dòng xe đang chực lao vào ngã tư khi đèn đỏ còn tới 5 - 10 giây. Phía bên kia đèn xanh, các phương tiện ùn ứ cả hàng dài. Nhưng nỗ lực của chú CSGT không “đọ” được sự vô ý thức, thiếu kiên trì của đám đông. Thậm chí, một anh đi SH xăm trổ, đứng quát chú CSGT: "Đèn xanh có quyền đi, không ai được cấm” rồi cứ thế phóng đi, chui vào giữa đám đông đang đan cứng nhau ở ngã tư. Khung cảnh trở nên vô cùng hỗn loạn.  Ngay thời điểm đó, em liếc nhanh về phía chú CSGT. Một tiếng thở dài, tay buông thõng chiếc gậy, thể hiện sự bất lực. Giá như mọi người lớn đều có thể đi chậm lại một tý, nhường nhịn nhau một ít thì con đường về sẽ rộng thênh thang biết bao nhiêu.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh  Lớp 5E - Trường Tiểu học Cát Linh, quận Đống Đa

Đừng thờ ơ!
 Người tham gia giao thông  vi phạm ATGT đường bộ trên đường Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hải
Nam thanh niên đi xe máy ở gần chùa Bộc bị thương nặng, ngã ra đường sau va chạm với một xe máy khác đi ngược chiều. Nhận thấy có tai nạn, sau khi dặn dò hai mẹ con em đứng cẩn thận trên vỉa hè, bố nhanh chóng chạy ra giúp đỡ người bị nạn. Vốn là bác sỹ, bố thuần thục sơ cứu cho người bị nạn rồi cùng người dân hai bên đường chạy ra vẫy xe ô tô xin chở nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều người điều khiển phương tiện đã tỏ ra thờ ơ với người gặp nạn. Thậm chí, có một tài xế taxi còn vô cảm buông thõng: “Chở người bị tai nạn giao thông có mà dính “vía cả tháng” rồi vọt đi trong sự phẫn nộ của đám đông. May mắn thay cuối cùng một chiếc xe bán tải cứu hộ giao thông đi qua đã đưa nạn nhân đi cấp cứu. Đến lúc này, bố em mới thở phào nhẹ nhõm, nhìn em trìu mến: “Cứu giúp người gặp tai nạn giao thông là hành động nhân văn, đừng thờ ơ như một số người lớn “xấu xí” kia, con nhé!”.
Trần Ngọc Huyền  Lớp 5A - Trường Tiểu học Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm

Kịch vui: Quỷ giao thông bị… giáng chức (Thiên đình năm 2050)
Quỷ giao thông và Quan giao thông sau khi vô tình gặp nhau tại Thiên đình đã xảy ra tranh cãi xem ai được lòng dân hơn. Cuối cùng cả hai bèn lên gặp Ngọc Hoàng để tìm ra phán xét công  bằng nhất.

Phụ huynh học sinh đội mũ cho con sau giờ tan trường. Ảnh: Mạnh Dũng

Quan giao thông: Khởi bẩm Ngọc Hoàng, trong khi thần mang đến hạnh phúc, sự an toàn cho nhiều gia đình thì quỷ tai nạn chỉ gieo tai ương, chết chóc. Vậy mà bây giờ, hắn vỗ ngực tự nhận mình được dân “yêu”.
Quỷ giao thông: Dạ, bẩm Ngọc Hoàng, thần luôn làm đúng nhiệm vụ của mình. Nếu hàng năm không có thần thì làm sao có tai nạn, mà không có tai nạn giao thông thì lấy đâu ra người chết? Đất trần gian đã chật, không có người xuống gặp Thần chết lấy đâu ra đủ đất?
Ngọc Hoàng: Nhưng vấn đề giao thông an toàn cũng đáng phải lưu tâm đấy, Quỷ giao thông ạ!
Quỷ giao thông: Thưa Ngọc Hoàng, nhiều luật lệ mà Quan giao thông đưa thật là nực cười. Ngài biết không, cái mũ bảo hiểm giống như nồi cơm điện, xấu thấy mồ cũng bắt buộc dân đội. Còn không cho người tham gia giao thông vượt đèn đỏ là chèn ép thời gian của họ rồi. Thay vì đứng chờ 60 giây lãng phí, chúng ta cứ lựa nhau mà đi, không tiện hơn sao?
Quan giao thông: Không có luật lệ lấy đâu ra an toàn? Hãy nhìn xuống trần gian (vén mây để lộ nơi đang xảy ra tai nạn) chỉ toàn là đau thương, con mất cha, vợ mất chồng, gia đình tan vỡ trong nước mắt. Đó là thứ tiện lợi mà người gọi tên sao?
Ngọc Hoàng: Chuyện này ta để cho dân phán xét. Lính đâu gọi 4 người dân vào đây.
Người dân: Chúng thần kính cẩn bái kiến Ngọc Hoàng.
Ngọc Hoàng: Trong 4 các ngươi, ai thích Quan giao thông thì qua bên trái. Ai chọn quỷ tai nạn qua bên phải.
Hai phụ nữ, một học sinh qua trái. Một người đàn ông qua phải
Ngọc Hoàng: Để ai nấy tâm phục khẩu phục, hãy cho ta biết lý do.
Dân 1: Khởi bẩm Ngọc Hoàng, con rất thích an toàn giao thông, muốn khắp nơi xe cộ lưu thông đúng chiều, đường sá thông suốt, Hiện nay khắp nơi đang tổ chức cuộc thi giao thông văn minh, an toàn đấy ạ.
Ngọc Hoàng: Lý do rất thuyết phục. Vậy người còn lại tại sao lại thích Quỷ  tai nạn?
Dân 2: Dạ thưa, thần thường xuyên uống rượu bia rồi lái xe về nhà trong tình trạng “ngà ngà” nên bị mấy ông giao thông phạt hoài. Vì thế, thần chỉ thích anh Quỷ tai nạn thôi.
Quỷ tai nạn: Thấy chưa, lý do thật là chính đáng, phải không Ngọc Hoàng?
Ngọc Hoàng: Im đi, uống rượu bia còn lên xe phi như bay, ảnh hưởng đến cả người khác mà đúng hả? Qua thực tế lấy ý kiến của người dân, ta thấy an toàn giao thông đúng là trách nhiệm của mỗi người. Vì lẽ đó, quyết định giáng chức Quỷ giao thông để giảm thiểu tai nạn, tạo thời gian cho nhà nhà, người người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Được rồi, ta đi đây…
Lê Minh Châu  Lớp 4C – Trường Tiểu học Yên Bình B, huyện Thạch Thất