Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị chỉ đạt 39%

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến tháng 10/2022, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị chỉ đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Quy hoạch chi tiết đô thị ở mức thấp

Tại Văn bản số 130/BC-BXD, báo cáo Quốc hội liên quan đến một số lĩnh vực của ngành, Bộ trưởng Bộ Xây xựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến hết tháng 9/2022, cả nước có 883 đô thị, trong đó 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I; 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV, phân bố đồng đều trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41%, tăng hơn 5,3% so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị giảm mạnh từ 6,9% (2010) xuống 1,1% (2021 - theo chuẩn nghèo đa chiều).

Tốc độ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tốc độ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế đô thị cũng đạt nhiều kết quả khả quan, bình quân mỗi năm đạt 12 - 15%, kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước.

Cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chất lượng được cải thiện. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 92%; thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn 17,2%; tổng lượng nước thải được thu gom khoảng 15%.

Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại các công cụ quy hoạch và quản lý đô thị bằng chính sách, pháp luật đã được ban hành khá đồng bộ, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển, cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập.

Trong đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành: 5 luật, 5 nghị định, 3 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành 12 thông tư, 3 quy chuẩn, 3 tiêu chuẩn để điều chỉnh hoạt động liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị. Ngoài ra còn một số luật, nghị định khác liên quan.

“Đến tháng 10/2022, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt 60%. Trong đó, 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), đô thị loại I đạt 80%; đô thị loại II, III, IV đạt 40 - 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị chỉ đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng. Số lượng Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc được ban hành là 181 quy chế, thiết kế đô thị là 250 đồ án. Tỷ lệ lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 99,8%” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch xây dựng, xây dựng chương trình phát triển đô thị. Đến tháng 10/2022 có 49/63 tỉnh, TP đã phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; 96 đô thị lập chương trình phát triển từng đô thị; 17 tỉnh phê duyệt 62 khu vực phát triển đô thị.

Một số địa phương đã thành lập ban quản lý khu vực phát triển đô thị, như: Bắc Ninh, Sơn La, Thừa Thiên Huế, An Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang... tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật, tăng cường kiểm soát dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch.

Tuy nhiên, trong quá trình này còn tồn tại nhiều hạn chế, như: Một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, nội dung khả thi, chưa tính toán đầy đủ nguồn lực thực hiện; Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.

“Tỷ lệ đô thị hoá thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Một số đô thị mức độ tập trung kinh tế thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Năng lực quản lý, quản trị đô thị còn yếu, chậm đổi mới” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thêm.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Xây dựng đang tập trung hoàn thiện thể chế, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật  với nhóm vấn đề chính: Đối tượng lập quy hoạch; Phạm vi, quy mô lập quy hoạch; Trách nhiệm lập quy hoạch, tăng cường phân cấp cho địa phương; Vấn đề kinh phí lập quy hoạch...

Đối với công tác quản lý đô thị, tập trung tổ chức thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị. Nghiên cứu các công cụ để quản lý đô thị hiện hữu, phát triển mới, quy định về tái thiết, cải tạo khu vực đô thị cũ, xuống cấp...

Triển khai công tác lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị”, và sẽ tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu này trong việc hoàn thiện các công cụ chính sách về quy hoạch, quản lý đô thị trong thời gian tới.