Ukraine dùng AI để đối phó vũ khí Nga

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, việc sử dụng AI, Chatgpt đang góp phần định hình các quyết định quan trọng của Ukraine trong diễn biến xung đột.

Trong thời gian chuẩn bị cho các cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào cầu Antonovsky, con đường quan trọng nối từ thành phố Kherson đến bờ đông sông Dnipro, các quan chức an ninh đã nghiên cứu kỹ lưỡng một loạt báo cáo đặc biệt.

Thời điểm Hè năm 2022, Nga phụ thuộc đáng kể vào cây cầu để tiếp tế cho quân đội ở phía tây Dnipro. Các báo cáo bao gồm nghiên cứu về hai vấn đề: liệu việc phá hủy cây cầu có làm lung lay tinh thần binh lính Nga và người thân của họ ở quê nhà, và quan trọng hơn là làm thế nào Kiev có thể tối đa hóa đòn giáng vào tinh thần bằng cách tạo ra “một môi trường thông tin đặc thù”?

Bị Nga áp đảo về vũ khí, Ukraine đang ngày càng tìm kiếm lợi thế về AI bằng cách sử dụng công nghệ này theo nhiều cách khác nhau. Ảnh: The Economist
Bị Nga áp đảo về vũ khí, Ukraine đang ngày càng tìm kiếm lợi thế về AI bằng cách sử dụng công nghệ này theo nhiều cách khác nhau. Ảnh: The Economist

Đây là cách Sviatoslav Hnizdovsky, người sáng lập Viện Tư duy Mở (omi) ở Kiev, mô tả công việc mà nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện bằng cách đưa ra những nhận định với sự trợ giúp từ trí tuệ nhân tạo (AI). Các thuật toán được sàng lọc qua nội dung truyền thông xã hội và dữ liệu kinh tế xã hội của Nga, từ việc tiêu thụ rượu và sự di chuyển của dân số đến tìm kiếm trực tuyến và hành vi của người tiêu dùng. 

Ông Hnizdovsky cho biết, công tác này tiếp tục định hình các quyết định quan trọng của Ukraine về diễn biến xung đột, bao gồm khả năng tấn công  vào cầu Kerch của Nga, tuyến đường bộ duy nhất nối liền Nga và Crimea.

Bị Nga áp đảo về vũ khí, Ukraine đang ngày càng tìm kiếm lợi thế về AI bằng cách sử dụng công nghệ này theo nhiều cách khác nhau. The Economist dẫn lời một đại tá Ukraine tham gia phát triển vũ khí cho biết các nhà thiết kế máy bay không người lái thường tham vấn Chatgpt để khởi xướng các ý tưởng kỹ thuật, ví dụ như giảm khả năng tổn thương trước hoạt động gây nhiễu từ lực lượng Nga. 

Bằng cách sử dụng hàng loạt hình ảnh và văn bản, các mô hình AI có thể tìm ra manh mối và ghép lại để định vị hệ thống vũ khí hoặc đội hình quân đội. Maksym Zrazhevsky, một nhà phân tích của công ty cho biết, việc sử dụng cách tiếp cận “mảnh ghép” này với AI cho phép Molfar, một công ty tình báo có văn phòng ở Dnipro và Kiev, có thể truy ra từ 2 đến 5 mục tiêu chính xác/ngày. Sau khi phát hiện mục tiêu, thông tin tình báo này nhanh chóng được chuyển đến quân đội Ukraine. 

Trong khi đó, SemanticForce, một công ty của Litva có văn phòng tại Kyiv và Ternopil, một thành phố ở phía tây Ukraine, phát triển các mô hình có thể xem xét tỉ mỉ văn bản và hình ảnh trực tuyến. Nhiều khách hàng của SemanticForce sử dụng hệ thống này cho mục đích thương mại để theo dõi cảm nhận của công chúng về thương hiệu. Tuy nhiên, Molfar sử dụng mô hình này để lập bản đồ các khu vực mà lực lượng Nga có thể đang suy giảm tinh thần và nguồn cung vũ khí - từ đó đưa chúng vào danh sách mục tiêu dễ tấn công. 

Việc sử dụng AI cũng giúp Ukraine xác định thành phần phản gián. Dmytro Zolotukhin, cựu thứ trưởng phụ trách chính sách thông tin của Ukraine, cho biết những lời đề nghị kiếm tiền bằng cách chụp ảnh cơ sở hạ tầng và tài sản quân sự được định vị địa lý thường được gửi đến điện thoại ở Ukraine. Gần đây chính ông cũng nhận được một tin nhắn như vậy. Những thành phần tham gia vào “thị trường dịch vụ tình báo” này thường xuyên bị cơ quan tình báo Ukraine truy lùng.

Ngoài ra, phân tích mạng lưới còn giúp các nhà điều tra Ukraine xác định những người vi phạm lệnh trừng phạt đối với Nga. Thông qua kết nối dữ liệu trong cơ quan đăng ký tàu với hồ sơ tài chính được lưu giữ ở các trụ sở khác, phần mềm có thể “xuyên thủng bức màn của doanh nghiệp”. 

Việc sử dụng AI đã phát triển được một thời gian. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi đẩy mạnh sử dụng công nghệ vì an ninh quốc gia vào tháng 11/2019. Andriy Ziuz, giám đốc nhân sự Trung tâm Điều hành Đánh giá các Mối đe dọa (cota), cho biết, mô hình này theo dõi sự phát triển về giá cả, việc sử dụng điện thoại, di cư, thương mại, năng lượng, chính trị, ngoại giao và quân sự cho đến vũ khí trong các cửa hàng sửa chữa.

Hiện chưa rõ những nỗ lực này sẽ tạo sự khác biệt đến mức nào trên chiến trường, tuy nhiên chuyên Evan Platt của Zero Line, một tổ chức phi chính phủ ở Kiev chuyên cung cấp trang thiết bị cho quân đội và dành thời gian ở tiền tuyến để nghiên cứu hiệu quả chiến đấu, mô tả việc Ukraine sử dụng AI là một “điểm sáng”.