Ukraine tung quân bài tẩy để phản công Nga

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liệu tham vọng biến loại vũ khí tối tân này trở thành phương tiện hủy diệt người Nga của phương Tây và Ukraine có thành hiện thực?

Sau nhiều tháng tích cực kêu gọi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối cùng cũng phấn khởi khi các máy bay chiến đấu F-16 từ Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch được chuyển giao cho lực lượng không quân Ukraine.

F-16 do Mỹ sản xuất là máy bay chiến đấu đa chức năng siêu thanh có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết 

Nhìn chung, F-16 sẽ tăng cường thêm sức mạnh cho quân đội Ukraine: hỗ trợ tác chiến trên không, tấn công mục tiêu trên mặt đất, tiêu diệt máy bay địch và đánh chặn tên lửa. Không những vậy, số lượng máy bay và phụ tùng thay thế tương đối dư thừa do không quân châu Âu không sử dụng nhiều cũng như tính đa dụng vì thể kết hợp với nhiều hệ thống vũ khí khác nhau.

Nhưng liệu F-16 có thể giúp Ukraine tạo nên khác biệt trên chiến trường, nhất là trong bối cảnh không quân Nga vẫn tỏ ra vượt trội trên mọi mặt trận, đặc biệt ở mặt trận phía nam.

Khi nhìn vào tình hình chiến sự ở Ukraine cũng như tương quan lực lượng giữa hai bên, các chuyên gia đều cho rằng dù có F-16, Ukraine vẫn không thể nào lật được thế cờ trước lực lượng Nga hùng mạnh.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Ý tưởng máy bay F-16 bay qua tiền tuyến và phá vỡ thế bế tắc là không khả thi vì phòng không Nga vô cùng mạnh".

Bên cạnh đó, việc triển khai F-16 tại Ukraine còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chương trình huấn luyện, cơ sở hạ tầng hỗ trợ, loại vũ khí được triển khai. Mặc dù Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy sẽ cung cấp cho Ukraine hơn 60 máy bay phản lực theo cam kết, nhưng một số sẽ phải được sử dụng trong huấn luyện và tốn thời gian bảo trì. Thêm nữa, F-16 vẫn chưa từng được dùng để thử lửa với Nga trong thực chiến.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hà Lan. Ảnh: CNN
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hà Lan. Ảnh: CNN

Tốn nhiều thời gian đào tạo

Việc đào tạo cho phi công Ukraine ở Đan Mạch, Rumani và Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến (tối thiểu là ba hoặc bốn tháng) do nhiều phi công chưa có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu của phương Tây.

Chưa kể các phi công sẽ cảm thấy khó thích ứng do có sự khác biệt giữa huấn luyện cơ bản và thực chiến trước hệ thống phòng ngự vững chắc của Nga.

Một phi công Ukraine cho biết anh phải mất khoảng sáu tháng để học cách sử dụng tên lửa. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho rằng đó chỉ là khoảng thời gian tối thiểu mà một phi công Ukraine cần bỏ ra. Thậm chí mục tiêu trên cũng không thực sự thiết thực khi các phi công phương Tây phải cần khoảng chín tháng để hoàn toàn thành thạo.

Khó khăn khác nữa là vốn tiếng Anh, để điều khiển các phi đội một cách thành thạo, phi công Ukraine phải sử dụng tốt ngoại ngữ này – điều mà chỉ khoảng 30 phi công đáp ứng điều này.

Quy trình bảo trì phức tạp

F-16 cần được bảo trì kỹ hơn bất kỳ loại máy bay chiến đấu thông thường nào thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng.

Trao đổi với CNN, ông Cancian cho biết F-16 cần 16 giờ bảo trì sau mỗi giờ bay, với chi phí gần 27.000 USD mỗi giờ bay.

Năm 2022, Văn phòng Kế toán Tổng hợp Mỹ đã xếp F-16 là một trong những máy bay khó bảo trì nhất của Không quân nước này.

Tướng James B. Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu, cho biết phải đến năm sau, F-16 mới có mặt ở Ukraine, và cho dù có xuất hiện cũng khó có thể tạo nên kỳ tích trước người Nga.

Theo vị tướng này, một phi công cần mất 4 hoặc 5 năm để thực sự thành thạo trong việc điều khiển máy bay.

Vẫn còn hy vọng

Người Ukraine xem trọng F-16 trong việc ngăn chặn chiến cơ Su35, máy bay chiến đấu mạnh nhất của Nga đã gây thiệt hại năng nề cho bộ binh Ukraine.

Tuần trước, Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola O Meatchuk cho biết việc F-16 khắc chế thành công Su35 sẽ buộc người Nga phải xem xét lại việc sử dụng máy bay này, tạo cơ hội cho các lực lượng khác phản công.

Ukraine cũng đang gây bất ngờ với phương Tây bởi khả năng làm chủ pháo binh tầm xa, hệ thống phòng không và xe tăng do NATO cung cấp. Bên cạnh đó, không quân Kiev cũng đang nỗ lực cải thiện và bảo vệ các sân bay có thể tiếp nhận F-16.

Tuy vậy, Ukraine và phương Tây cũng không nên quá tự tin vào F-16 vì thực chiến trước lực lượng không quân Nga không phải là điều dễ dàng đối với mọi quốc gia. Nếu Kiev vội vàng đưa loại máy bay này vào chiến đấu mà không xem xét tình hình cụ thể thì thất bại có thể hiện hữu.

Ông Cancian cho biết, nếu người Nga đạt thêm một số thành công, thì cả Ukraine và phương Tây sẽ khó có thể tạo ra được kỳ tích.