UNDP thúc đẩy sáng kiến về môi trường bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - UNDP nhấn mạnh Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ozone, với 98% chất phá hoại tầng ozone đã được loại trừ trên toàn cầu, cho thấy thành công của một hiệp định môi trường đa phương khi các nước hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ đã được thoả thuận.

Ngày 27/3, tại New York, Mỹ, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNDP) và các đối tác đã khởi động sáng kiến quốc tế mới thúc đẩy vai trò của luật pháp trong bảo vệ sự bền vững của môi trường và nền kinh tế xanh.

Các vấn đề then chốt của sáng kiến mới nhằm giải quyết các vấn đề như sự phân đoạn trong quản trị môi trường hiện hành; quan hệ giữa luật về quyền con người và luật môi trường; tăng cường sự tham gia của công chúng và tiếp cận công lý; các khía cạnh pháp lý của thúc đẩy phúc lợi con người và chuyển sang nền kinh tế xanh.

Sáng kiến mới này tập trung vào các hành động cần thiết trong 3 lĩnh vực chủ yếu để vượt qua các trở ngại thực hiện các hiệp định môi trường đa phương như Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học, Công ước Basel về các chất thải độc hại.

Một là tương lai của luật môi trường, trong đó tập trung vào vai trò của luật này trong thúc đẩy các mục tiêu của nền kinh tế xanh, bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên chung toàn cầu như biển và các đại dương, đồng thời chống tội phạm xuyên quốc gia về môi trường cũng như các hoạt động bất hợp pháp khác có tác động xuyên biên giới.

Hai là thúc đẩy các cách tiếp cận mới công lý xã hội và bền vững môi trường, trong đó có các biện pháp tăng cường hơn nữa các liên kết hoạt động giữa công lý xã hội, công bằng, môi trường và phát triển để thực hiện hiệu quả hơn các luật môi trường quốc tế và quốc gia.

Ba là nâng cao hiệu quả quản trị môi trường ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

UNDP nhấn mạnh Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ozone, với 98% chất phá hoại tầng ozone đã được loại trừ trên toàn cầu, cho thấy thành công của một hiệp định môi trường đa phương khi các nước hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ đã được thoả thuận.

Tuy nhiên, các hiệp định môi trường đa phương khác đã được thương lượng từ Hội nghị Stockholm năm 1972 về môi trường con người và Hội nghị cấp cao về Trái Đất năm 1992 chỉ đạt được tiến bộ rất hạn chế khi tiến đến các mục tiêu quốc tế về phát triển bền vững.

Sáng kiến mới đóng vai trò chủ chốt đề cao các hành động cần thiết để các nhà thực thi luật pháp vượt qua được các thách thức này, và thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế hiện hành sang nền kinh tế xanh phổ quát về xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính dựa trên các quy chế của luật pháp và quản trị hiệu quả.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần