Ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi: Bắt đầu từ những mô hình điểm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Để nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi, cơ giới hóa được xem là giải pháp hữu hiệu. Dù vậy, quá trình chuyển đổi sản xuất này vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều lợi ích
Từ những năm 2012, trên quy mô chuồng chăn nuôi lợn 35.000m2, anh Nghiêm Đình Minh - chủ trang trại Minh Hà ở thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống làm mát vào mùa nắng nóng và đảm bảo giữ ấm vào mùa Đông giá rét. Quạt thông gió giúp chuồng nuôi thoáng, giảm tối đa mùi hôi thối từ phân gia súc.
Bên cạnh đó là hệ thống máng ăn, máng uống bán tự động giúp điều chỉnh hợp lý lượng thức ăn, nước uống… Anh Minh cho biết, nhờ áp dụng cơ giới hóa, chi phí sản xuất của trang trại được tiết giảm, qua đó giúp mang lại lợi nhuận cao hơn. Ngoài vấn đề môi trường được kiểm soát tốt, dịch bệnh trên đàn lợn cũng được hạn chế tối đa.
 Kiểm tra điều kiện chuồng nuôi tại Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, toàn TP hiện có khoảng 30% hộ chăn nuôi lợn và gia cầm (gà, vịt) áp dụng phương thức xây dựng chuồng kín, sử dụng máng ăn, máng uống tự động, bán tự động phối trộn, cung cấp thức ăn.
Bên cạnh chăn nuôi lợn và gia cầm, 80% hộ chăn nuôi bò sữa toàn TP đang sử dụng hệ thống làm mát, chống nóng, chuồng nuôi khép kín và điều tiết nhiệt độ. Không chỉ hệ thống chuồng trại, cơ giới hóa trong phối trộn thức ăn cũng được chú trọng, nhất là trong chăn nuôi bò sữa, khi có tới 2.700 hộ hiện sử dụng máy thái, cắt cỏ và máy trộn hoàn chỉnh...

Theo chia sẻ của nhiều cơ sở chăn nuôi, việc áp dụng cơ giới hóa mang lại nhiều lợi ích thiết thực như nâng cao năng suất lao động, tiết giảm lượng thức ăn, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng ATTP và bền vững.

Tạo động lực ứng dụng cơ giới hóa

Hiệu quả của các mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi là rất rõ ràng, song để nhân rộng vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, vốn đầu tư là điều khiến nhiều cơ sở chăn nuôi trăn trở nhất. Thực tế, TP đã có một số chính sách hỗ trợ về vốn cho chăn nuôi, tuy nhiên hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Đơn cử, theo Chương trình khuyến công thực hiện theo Thông tư liên tịch số 183 của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính, mức hỗ trợ cho mỗi mô hình cơ giới hóa tối đa chỉ là 75 triệu đồng. Con số này là quá thấp bởi một hệ thống làm mát đơn giản nhất cũng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Thành Trung, để thúc đẩy cơ giới hóa trong chăn nuôi, bên cạnh thực hiện tốt quy hoạch ngành theo Quyết định 1835/QĐ-UBND, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ về vốn, cơ chế khuyến khích tổ chức, DN đầu tư áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Ông Trung cũng cho rằng, thay đổi tư duy của người chăn nuôi là vấn đề hết sức quan trọng. Để làm được điều này, việc tạo điều kiện cho người chăn nuôi được thăm quan, học hỏi các mô hình cơ giới hóa đã phát huy hiệu quả là rất cần thiết.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trên địa bàn TP hiện không có nhiều những mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Do đó, ông Trung kiến nghị TP quan tâm, sớm đầu tư xây dựng những mô hình điểm, làm cơ sở để người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội có cơ hội tham quan, học tập kinh nghiệm, từng bước thay đổi tư duy sản xuất. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi.