Ứng Hoà: Đổi mới dạy học qua việc triển khai giáo dục STEM

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong các tiết học STEM, học sinh tại khổi Tiểu học trên địa bàn huyện Ứng Hoà được phát huy năng lực sáng tạo, biết cách thể hiện sự độc lập về tư duy. Qua đó, học sinh vận dụng những kiến thức của tiết học để ứng dụng cuộc sống sinh hoạt, học tập hằng ngày.

Điều này đã được minh chứng qua các môn học tại trường Tiểu học Vạn Thái. Môn Tự nhiên và xã hội là một trong những môn học được thể hiện rõ ràng nhất.

Giờ học STEM của học sinh khối 2 Trường Tiểu học Vạn Thái (Ứng Hoà). Ảnh: Lại Tấn.
Giờ học STEM của học sinh khối 2 Trường Tiểu học Vạn Thái (Ứng Hoà). Ảnh: Lại Tấn.

Tiết học chuyên đề “Nơi sống của động vật” được triển khai tại trường Tiểu học Vạn Thái (Ứng Hoà) là một trong những hoạt động trong kế hoạch phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hoà và Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai. Đây là hoạt động hướng tới huyện Ứng Hoà đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Học sinh sôi nổi tiếp thu kiến thức

Đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, cô giáo Hoàng Thị Thảo (giáo viên Trường Tiểu học Vạn Thái) đã có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy học của giáo viên, được tương tác trực tiếp với các bạn và cô giáo, đồng thời có cơ hội tự tin thể hiện hiểu biết của mình.

Cô giáo Hoàng Thị Thảo (giáo viên Trường Tiểu học Vạn Thái) và học sinh trong tiết học STEM. Ảnh: Lại Tấn.
Cô giáo Hoàng Thị Thảo (giáo viên Trường Tiểu học Vạn Thái) và học sinh trong tiết học STEM. Ảnh: Lại Tấn.

Ngày 9/11, Phòng GD&ĐT Ứng Hoà, phối hợp với phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai tổ chức chuyên đề Giáo dục STEM cấp TP đặt tại huyện Ứng Hoà. Tiết học STEM môn Tự nhiên và xã hội, chuyên đề “Nơi sống của động vật” được cô giáo Hoàng Thị Thảo mở đầu trong không khí vui tươi sôi nổi với phần hát và vận động theo nhạc bài hát “Đố bạn”. Từ nội dung bài hát, cô Thảo khéo léo dẫn dắt vào bài học, ôn lại kiến thức đã học từ bài học trước gắn với nội dung đã học về đặc điểm, tính chất, sự chuyển động động vật trong tự nhiên; kích thích học sinh hào hứng tìm hiểu khám phá kiến thức bằng cách cho các em gọi tên các con vật và cho biết nơi sống của chúng.

Tiết học STEM môn Tự nhiên và xã hội, chuyên đề “Nơi sống của động vật” được cô giáo Hoàng Thị Thảo mở đầu trong không khí vui tươi sôi nổi với phần hát và vận động theo nhạc bài hát “Đố bạn”. Video: Lại Tấn.

Sau khi nắm được mục tiêu của môn học, các bạn nhỏ được thực hành những kiến thức mà giáo viên vừa hướng dẫn. Đặc biệt, học sinh hào hứng tham gia trò chơi “Giải cứu động vật” do giáo viên tổ chức. Đồng thời, học sinh đã vận dụng kiến thức, tự do sáng tạo, áp dụng những hiểu biết, thể hiện sở trường của mình để đo độ dài, vẽ, tô màu, cắt dán… làm mô hình môi trường sống của động vật. Toàn bộ kiến thức mà các em vừa tìm hiểu đều được thể hiện rõ ràng trong sản phẩm của chính mình.

Học sinh thực hành trong tiết học STEM.
Học sinh thực hành trong tiết học STEM.

Đã có hàng chục sản phẩm do chính các em lên ý tưởng, tạo hình cùng bạn bè, thây cô. Mỗi sản phẩm STEM đều mang ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống bằng những nguyên liệu gần gũi như: bìa cát tông, cốc nhựa, ống hút… sản phẩm STEM thể hiện niềm say mê của học sinh, khả năng ứng dụng kiến thức trên sách vở vào thực tiễn. Qua đó cho thấy, đây là hoạt động rất bổ ích hỗ trợ cho học sinh, giáo viên và phụ huynh trong việc giáo dục trang bị kiến thức và kỹ năng sống để các em có thể phát triển ý tưởng sáng tạo.

Theo cô giáo Hoàng Thị Thảo (giáo viên Trường Tiểu học Vạn Thái): “Qua bài học hôm nay, học sinh đã biết được môi trường sống của động vật và biết thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ đến động vật. Qua 2 tiết học STEM, học sinh được phát triển năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo; cảm nhận được vẻ đẹp của tự nhiên, thích tìm tòi khám phá về bầu trời và các hiện tượng tự nhiên.

Tiếp tục hoàn thiện

Tiết học chuyên đề “Nơi sống của động vật” được triển khai tại trường Tiểu học Vạn Thái (Ứng Hoà) là một trong những hoạt động trong kế hoạch phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hoà và Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Hà Nội Đào Tân Lý phát biểu tại Chuyên đề dạy học STEM cấp TP tại huyện Ứng Hoà.
Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Hà Nội Đào Tân Lý phát biểu tại Chuyên đề dạy học STEM cấp TP tại huyện Ứng Hoà.

Sau khi tham dự giờ học STEM môn Tự nhiên và xã hội tại huyện Ứng Hoà, các thầy cô giáo đến dự đã thảo luận rất sôi nổi, cởi mở. Rất nhiều ý kiến phát biểu góp ý rất hay, hầu hết các ý kiến đánh giá đây là một tiết dạy có ý nghĩa rất thiết thực đối với người dạy và giúp học sinh phát triển được năng lực và phẩm chất của bản thân.

Đánh giá cao chất lượng, kết quả trong giờ học chuyên đề giáo dục STEM môn Tự nhiên và xã hội tại huyện Ứng Hoà, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Hà Nội Đào Tân Lý cho biết:  Năm học 2022-2023, Hà Nội là 1 trong 7 tỉnh, TP tham gia thí điểm giáo dục STEM ở cấp tiểu học. Sở GD&ĐT đã chọn 10 trường tiểu học ở 5 quận, huyện để triển khai thí điểm giáo dục STEM gồm: Tràng An, Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm); Thịnh Hào, Văn Chương (quận Đống Đa); Dương Xá, Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm); Tây Đằng B, Phú Sơn (huyện Ba Vì); Hồng Sơn, Xuy Xá (huyện Mỹ Đức).

Các thầy cô giáo đến dự Chuyên đề dạy học STEM cấp TP tại huyện Ứng Hoà thảo luận, góp ý.
Các thầy cô giáo đến dự Chuyên đề dạy học STEM cấp TP tại huyện Ứng Hoà thảo luận, góp ý.

Kết thúc năm học, Sở GD&ĐT đánh giá, việc thí điểm giáo dục STEM đã được tổ chức thành công. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã nắm vững phương thức giáo dục STEM. Học sinh được thực hành ngay sau khi tiếp cận kiến thức, giúp các em củng cố kiến thức, hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực. Giáo dục STEM đã quan tâm nâng cao phẩm chất, năng lực học sinh, khắc phục căn bản lối dạy học chú trọng truyền đạt kiến thức.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, căn cứ kết quả triển khai thí điểm giáo dục STEM trong năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã quyết định triển khai đại trà giáo dục STEM đến tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn TP từ năm học 2023-2024. Hiện nay, chuyên đề giáo dục STEM đang được tổ chức tại 3 đơn vị gồm: Hà Đông, Ứng Hoà với sắp tới tại Quốc Oai.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hoà Nguyễn Thanh Sơn phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.
Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hoà Nguyễn Thanh Sơn phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hoà Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: Thông qua 2 tiết chuyên đề, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường Tiểu học đã hiểu rõ và đưa ra các giải pháp về việc tổ chức hoạt động dạy học, việc tích hợp các nội dung giảng dạy, sự chủ động của giáo viên trong việc chọn lựa hoạt động, hình thức tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh. Với ý kiến góp ý chuyên gia, lãnh đạo Sở, giáo viên, Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hoà sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện làm nguồn tài nguyên dùng chung cho các đơn vị, trường học trên địa bàn huyện.

 

Bằng nhiều phương pháp đổi mới trong giáo dục, những năm qua, công tác giáo dục cấp Tiểu học trên địa bàn huyện Ứng Hoà đạt được nhiều kết quả. Nổi bật, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học trên địa bàn huyện đạt 99,97.

Năm học 2023-2024 có 10 học sinh đạt giải Quốc gia trong cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ. Cuộc thi kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em các trường tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hoà là một trong 2 Phòng đạt giải Đặc biệt.

Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp TP năm học 2022-2023, toàn huyện có 5 giáo viên dự Giáo viên dạy giỏi cấp TP và 5 giáo viên  đều đạt giải (1 giải Nhì và 4 giải Ba). 7 năm liên tục Giáo dục tiểu học Ứng Hoà được Sở đánh giá, xếp loại Tốt theo 13 tiêu chí (từ năm học 2026-2017 đến năm học 2022-2023).