Ứng Hòa nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế phát triển bền vững, diện mạo nông thôn khang trang, tươi mới, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đó là minh chứng thể hiện sự nỗ lực vượt khó cùng với những bước đi, cách làm đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ứng Hòa trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”.

Trường THCS Cao Thành đã đạt chuẩn Quốc gia

Đột phá trong sản xuất nông nghiệp
Là huyện thuần nông nên ngay khi bắt tay thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng NTM, Ứng Hòa đã xác định rõ vai trò quan trọng của việc biến những khó khăn của vùng chiêm trũng thành lợi thế. Theo đó, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Nhờ tích cực chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000ha. Đồng thời, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; sản xuất đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm; trồng cây ăn quả ở Đồng Tiến, Phù Lưu...
“Để đạt các chỉ tiêu NTM, cùng với phát huy lợi thế, nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều phía, huyện sẽ nỗ lực và quyết liệt hơn trong từng phần việc xây dựng NTM”.
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà
Đáng chú ý, từ năm 2017, huyện đã xây dựng được chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như, chuỗi sản xuất giống lúa mới chất lượng cao J02 tại một số xã liên kết với Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết từ khâu cung ứng giống, phân bón đến thu mua thóc tươi tại ruộng cho nông dân. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú Đặng Huy Cương cho biết: “Nhờ chuyển toàn bộ diện tích sang cấy lúa hàng hóa J02 mà thu nhập của toàn xã từ trồng lúa năm 2018 đã tăng hơn 5 tỷ đồng so với năm 2017. Hiện, các cánh đồng ở Hòa Phú trồng một giống lúa với một quy trình sản xuất. Các khâu làm đất, thủy lợi, chăm sóc, dự báo, thu hoạch đều đồng bộ nên năng suất lúa đạt cao, chất lượng gạo ngon và bán được giá cao hơn".

Mô hình trồng rau an toàn tại thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Từ mô hình thí điểm 5ha năm 2016 đến nay, diện tích đã được mở rộng lên 27ha và được Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất RAT. Mô hình đang phát huy hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao hơn trồng rau thông thường 40 triệu đồng/ha. Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng Nguyễn Xuân Nghĩa cho hay, được huyện hỗ trợ 70% kinh phí, HTX đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính 5.000m2, với số vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng. Hiện, sản phẩm dưa chuột Israel, dưa lưới F1 Kim hoàng hậu và các loại rau, củ khác của mô hình đang được HTX nông sản An Việt thu mua với giá cả ổn định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn chia sẻ, để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Ứng Hòa đã tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại xã Hòa Phú, rau an toàn tại xã Sơn Công, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản “sông trong ao” ở các xã: Trầm Lộng, Liên Bạt; hình thành các hợp tác xã dịch vụ liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhờ sản xuất ổn định, thu nhập của nông dân cũng được nâng lên đáng kể. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 37,1 triệu đồng/người/năm.

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Mặc dù là một trong số huyện khó khăn nhất của Hà Nội, song Ứng Hòa luôn nỗ lực trong huy động nguồn vốn cho xây dựng NTM và không để nợ xây dựng cơ bản. Để tạo nguồn lực, huyện đã đẩy mạnh việc cho đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹt trong khu dân cư… Đồng thời, huyện tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự chung sức đồng lòng của người dân và các DN. Nhờ đó, năm 2018, Ứng Hòa có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 19/28 xã.
Mô hình trồng rau quả công nghệ cao tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa đang phát huy hiệu quả kinh tế
Diện mạo nông thôn Ứng Hòa đang khởi sắc từng ngày. Điều đó thể hiện rõ nhất từ những con đường bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà kiên cố, khang trang đến những công trình phúc lợi hiện đại đã và đang đáp ứng nhu cầu của người dân. Công tác xây dựng trường chuẩn, trường chất lượng cao tiếp tục được quan tâm. Trong đó, huyện đã huy động được nguồn vốn lớn từ xã hội hóa để xây mới, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường học.
Tính đến hết năm 2018, toàn huyện đã có thêm 6 trường (ở cả 3 cấp) được công nhận mới đạt chuẩn Quốc gia và 12 trường công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia. Bên cạnh đó, huyện thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tiếp tục củng cố y tế cơ sở với 100% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2018 của Ứng Hòa đó là kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cụ thể, hoàn thành xây, sửa nhà cho 267 hộ nghèo trên địa bàn với tổng kinh phí trên 1.700 tỷ đồng, giảm thêm 533 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,41%. Nhằm nâng cao đời sống toàn diện cho người dân, huyện duy trì ổn định hệ thống các công trình cấp nước sạch trên địa bàn. Đến nay, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 32% số dân được sử dụng nước sạch. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường nông thôn được duy trì thường xuyên với tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý trong ngày đạt trên 95%.

Đáng ghi nhận trong công cuộc xây dựng NTM ở Ứng Hòa là sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, là sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình, từ đó tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Từ năm 2016 đến nay, Nhân dân Ứng Hòa đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như tiền mặt, ngày công, hiến đất thổ cư, đất nông nghiệp, hiện vật… Ngoài ra, còn có sự ủng hộ rất lớn từ phía các DN, các quận nội thành đã hỗ trợ huyện thực hiện các dự án thành phần phục vụ phát triển sản xuất và hạ tầng thiết yếu.

Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà cho biết, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân, tạo chuyển biến trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Mở rộng các vùng sản xuất lúa tập trung, từng bước hình thành những cánh đồng mẫu lớn, phấn đấu đưa tỷ lệ giống lúa chất lượng cao đạt khoảng 40%/vụ. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và chuỗi liên kết thủy sản… Huyện cũng tăng cường xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Hướng tới mục tiêu phấn đấu năm 2019 có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, Ứng Hòa đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng NTM của các xã phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Củng cố, đổi mới hoạt động của các HTX cũng như phát triển đa dạng các hình thức hợp tác ở nông thôn song song với việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đặc biệt, chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng bước phấn đấu thực hiện mô hình NTM kiểu mẫu.