Ứng phó với nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9

Thiên Tú - Đoàn Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 3/3, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay, vẫn chưa phát hiện virus cúm gia cầm A/H7N9 đối với cả mẫu trên gia cầm, môi trường và con người ở Việt Nam.

Quyết liệt ngăn chặn

Hiện, cả nước còn các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh chưa qua 21 ngày. Ông Đàm Xuân Thành cho biết, những ổ dịch này được khoanh vùng, tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh và chết, khử trùng tiêu độc nên không lây lan trên diện rộng. Đáng lo nhất hiện nay là virus cúm A/H7N9 vì khi gia cầm mắc virus không có triệu chứng lâm sàng nhưng khi nhiễm sang người tỷ lệ tử vong cao, gần 40%.
 

Nhân viên Thú y tiêm vaccine phòng cúm gia cầm tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đình Huệ

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết đã phối hợp cùng với Bộ Y tế tiến hành các biện pháp hết sức quyết liệt để ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam với 4 tình huống. “Hiện nay, Việt Nam đang ở tình huống 1. Các cơ quan chức năng đã lấy trên 202.000 mẫu môi trường, gia cầm, người tại 200 chợ, tụ điểm có nguy cơ cao của 20 tỉnh, TP, trong đó có cả Hà Nội nhưng các mẫu chưa phát hiện dương tính với cúm A/H7N9” – ông Đàm Xuân Thành cho biết.

Theo Cục Thú y, việc quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm từ biên giới vào Việt Nam. Việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các tỉnh biên giới. Đối với nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H7N9 từ chim trời bay từ Trung Quốc sang, đại diện Cục Thú y cho biết, giải pháp quan trọng nhất là khử trùng, tiêu độc môi trường và thứ hai là lấy mẫu để giám sát thường xuyên sự lưu hành của virus, tránh bị động.

Ông Đàm Xuân Thành khuyến cáo người tiêu dùng mua sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm soát thú y, kiểm soát giết mổ, không nên ăn tiết canh và khi tiếp xúc với gia cầm ốm, chết phải rửa tay bằng xà phòng. Đối với người chăn nuôi, nên mua giống từ nơi có nguồn gốc rõ ràng, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, khử trùng tiêu độc và tiêm phòng vaccine cúm A/H5N6, cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm, đặc biệt không vứt xác gia cầm ốm, chết bừa bãi.

Cũng trong ngày 3/3, tổ chức FAO tại Việt Nam đã có thông cáo về việc cam kết hợp tác chặt chẽ với Cục Thú y để bảo vệ sinh kế của người dân trước virus cúm A/H7N9.

Đề nghị nâng mức cảnh báo

Sáng cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người của Bộ Y tế, ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng cho biết, nguy cơ cao dịch cúm gia cầm H7N9 xâm nhập vào nước ta, lây truyền sang người và bùng phát dịch. Bên cạnh đó dịch cúm H5N1 trên đàn gia cầm trong nước đang có diễn biến phức tạp.

Ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, đã tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, lấy mẫu những người tiếp xúc gia cầm, giết mổ, mẫu môi trường. Dự kiến trong tuần này sẽ có kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, tại các cửa khẩu, nếu diễn biến phức tạp, có thể áp dụng tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc. Một mối lo khác, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đó là hiện chưa phát hiện được H7N9 có biểu hiện lâm sàng trên gia cầm khiến cho người dân chủ quan, giết mổ tiếp xúc gia cầm không có bảo hộ... Trước bối cảnh như vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan phải nâng cao mức độ cảnh báo dịch cao hơn, để có thái độ ứng xử phù hợp.

Đối với Hà Nội, UBND TP đã yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H7N9. Bên cạnh đó, giám sát chặt các trường hợp mắc bệnh hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng để lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện dịch bệnh kịp thời.

Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên người đến tất cả các bệnh viện và TTYT quận, huyện trên địa bàn.