Ứng xử văn minh khi va chạm giao thông

Trực Ngôn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh giữa bạch nhật, ngay trung tâm TP Hồ Chí Minh, 2 nhóm thanh niên đã dùng giáo mác, ba chĩa, gậy sắt lao vào hỗn chiến.

Theo thông tin ban đầu (chiều 9/2), nhóm thanh niên khoảng 10 người đã đánh nhau với một nhóm khác là do va chạm giao thông… Và chỉ cần vào Google “sớt” từ khóa đánh nhau do va chạm giao thông, trong vòng 0,42 giây đã cho ra khoảng 22.900.000 kết quả.

Trên thực tế, va chạm khi tham gia giao thông là điều không ai mong muốn. Nhưng với mật độ phương tiện, hạ tầng cơ sở và ý thức người tham gia giao thông như hiện nay, việc va chạm nhau là điều khó tránh khỏi. Và điều khó hiểu là từ va chạm giao thông, người ta sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau.

Các cụ xưa có câu “Chưa đánh được người, mặt đỏ như vang/ Đánh người xong mặt vàng như nghệ”. Và kết cục của những vụ đánh nhau từ xưa tới nay - chưa bao giờ tốt đẹp. Hậu quả nhãn tiền của việc xô xát (từ va chạm giao thông), đầu tiên là gây tắc đường, mất trật tự xã hội, không ít vụ việc đã khiến đôi bên vướng vào vòng lao lý… Là người thường xuyên tham gia giao thông, tôi được chứng kiến một sự vụ rất đáng nhớ.

Chuyện là thế này: Một tối cách đây chưa lâu, trên đường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), do thiếu quan sát, người lái chiếc xe BW đã quẹt vào đầu một chiếc Mercedes đang đậu bên lề đường. Biết mình có lỗi, người lái xe BW đã nhờ bảo vệ gọi chủ xe Mercedes ra để bồi thường. Thay vì nổi nóng, chàng trai chủ xe bị va quẹt nói: Va quẹt nhẹ, xe đã có bảo hiểm, xin đừng nói chuyện tiền nong; nếu quý, anh cho em xin số điện thoại, mời nhau chầu cà phê có được không? Thế rồi hai người đàn ông nọ trao đổi số điện thoại, chia tay trong vui vẻ. Thực sự đây là một cách hành xử rất đáng để học hỏi, suy ngẫm!

Một chuyện không liên quan đến giao thông, nhưng cũng khiến chúng ta giật mình. Đó là: Theo thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 5 ngày nghỉ Tết đã có 2.781 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 2% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 1.088 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 9 trường hợp tử vong... Nguyên nhân thì nhiều, nhưng hầu như đều bắt đầu từ rượu. Nhưng khoan hãy đổ lỗi cho thứ đồ uống có cồn kia. Bởi nếu ai đã từng dự những phiên chợ vùng cao như chợ phiên Bắc Hà, Mường Khương, Lào Cai, đàn ông ở đây uống rượu không phải bằng chén mà… bằng bát. Ấy thế nhưng chẳng mấy khi người ta xích mích, chồng say thì lên ngựa để vợ đưa về. Phiên chợ sau lại xuống chợ, lại rượu và… vẫn say. Với họ, hình như uống rượu trở thành một sinh hoạt mang tính… văn hóa! Thế nhưng với không ít đàn ông xứ ta, chẳng cần đến uống rượu - chỉ cần một va chạm nhỏ, một ánh mắt thiếu thân thiện, rắc rối có thể nảy sinh.

Các phương tiện truyền thông từ lâu đã ra rả tuyên truyền về văn hóa trong giao thông; nếu để ý tại các ngã tư giao cắt trong nội đô, mỗi sáng đều vang lên ca khúc quen thuộc “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, hát rằng: “Đường phố của ta vẫn đang còn hẹp/ Nhường bước cho nhau, đi xa cũng gần”… Lời nhắc nhở là vậy, nhưng không ít kẻ vẫn để ngoài tai. Vẫn tạt đầu, cắt mặt, rồi va chạm, rồi lại gọi đội, gọi nhóm ra để đánh nhau. Liệu ứng xử thiếu văn minh như vậy có thay đổi được không?q