Ưu tiên phát triển ngành nghề nông thôn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn. Sau hai năm triển khai, Hà Nội đã gặt hái được những kết quả rất tích cực.

Sản xuất đồ gỗ tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng.
Thực tế ngay từ trước khi Nghị định số 52 được ban hành, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Đơn cử như: Quyết định số 554/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 14/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề TP Hà Nội…
Sau khi Nghị định số 52 được ban hành, UBND TP đã sớm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Khẩn trương rà soát, xác định có 4 nhóm ngành nghề của Hà Nội được quy định tại Nghị định số 52, từ đó có định hướng hỗ trợ phát triển phù hợp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn TP có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Những năm qua, các làng nghề có sự tăng trưởng khá nhanh về doanh thu và giá trị sản xuất. Nhiều sản phẩm làng nghề đã được UBND TP công nhận là sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp mang lại doanh thu lớn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng vạn lao động nông thôn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành nghề nông thôn và các làng nghề trên địa bàn TP vẫn còn phân tán, thiếu tính bền vững. Quy mô sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ. Hàm lượng công nghệ áp dụng còn thấp. Tính thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm chưa cao… Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 52 của Chính phủ, ông Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng các làng nghề, phân nhóm ngành nghề theo Nghị định số 52, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển gắn với bảo tồn. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực cho ngành nghề nông thôn. Thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn gắn với định hướng mục tiêu của Chương trình OCOP. Đặc biệt, sẽ đề xuất UBND TP ưu tiên phê duyệt các dự án và nguồn vốn đầu tư theo giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống.

Cùng với sự chủ động của địa phương, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn tiếp cận được quỹ đất, nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại để giúp các cơ sở tiếp cận, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm ngành nghề nông thôn...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần