Sử dụng vật liệu nội thất:

Ưu tiên yếu tố an toàn và bền vững để bảo vệ sức khỏe

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tiêu chuẩn an toàn với sản phẩm nội thất tại Việt Nam vẫn đang dần hoàn thiện. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn sản phẩm đảm bảo yếu tố an toàn và bền vững.

Ngày 15/12, Hội thảo: “Sử dụng vật liệu nội thất bền vững và an toàn”, tại khách sạn Majestic (Số 01 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Minh bạch thông tin về tính an toàn của đồ nội thất

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ cho rằng, trong bối cảnh vật liệu nội thất phần lớn từ gỗ công nghiệp nhưng ít ai quan tâm đến yếu tố sức khỏe và nguồn gốc.

“Hiện nay, chủng loại của các vật liệu nội thất vô cùng đa dạng, mặc dù đã có những tiêu chuẩn nhất định của cơ quan quản lý Nhà nước ban hành nhưng với người tiêu dùng trong nước đa phần còn khá mơ hồ trong việc lựa chọn sản phẩm. Đặc biệt, vấn đề liều lượng các chất hóa học trong vật liệu nội thất phải đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng” – ông Toàn nói.

Các khách mời tham gia thảo luận tại hội thảo: “Sử dụng vật liệu nội thất bền vững và an toàn”, chiều ngày 15/12. Ảnh: BTC
Các khách mời tham gia thảo luận tại hội thảo: “Sử dụng vật liệu nội thất bền vững và an toàn”, chiều ngày 15/12. Ảnh: BTC

Mặt khác, nhằm lan tỏa Thông tư số 04/2023/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, có hiệu lực vào ngày 1/1/2024, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, các cơ quan truyền thông cần có trách nhiệm để làm công tác truyền thông đúng về các sản phẩm vật liệu nội thất, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng. Đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp sản xuất, thị trường nội thất tiếp tục phát triển hơn nữa tại thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.

“Vật liệu xây dựng có nhóm vật liệu chịu lực công trình, là nhóm 1 như: cốt, thép, bê tông...Còn nhóm thứ 2 là vật liệu không mang tính chất chịu lực, bao gồm đồ nội thất. Nếu nhóm 1 nguy hiểm khi sập đổ gây chết người, thậm chí là thảm họa thì nhóm 2 này nếu không cẩn thận sẽ làm suy yếu sức khỏe và “chết từ từ”. Từ đó dẫn đến năng suất lao động yếu, gánh nặng cho hệ thống y tế nên nhiều nước phát triển đã đặt ra quy định giới hạn các hoá chất trong đồ nội thất để bảo vệ sức khỏe người dân” - ông Thành phân tích.

Ông Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng nhấn mạnh, sẽ “chết từ từ” nếu sử dụng nội thất không cẩn thận. Ảnh: BTC
Ông Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng nhấn mạnh, sẽ “chết từ từ” nếu sử dụng nội thất không cẩn thận. Ảnh: BTC

Từ đó, ông Thành nhấn mạnh, việc ban hành Thông tư 04 là cần thiết để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, là cơ sở để phân biệt doanh nghiệp làm sản xuất tuân thủ yêu cầu với doanh nghiệp không đảm bảo, tăng tính minh bạch cho môi trường kinh doanh, công bằng cho các doanh nghiệp.

Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cũng đánh giá, những tiêu chuẩn của Thông tư nêu cao trách nhiệm của nhà nước về tính thực thi hiệu quả và công bằng giữa nhà sản xuất tuân thủ và không tuân thủ và cả quản lý vấn đề nhập khẩu.

Nhà sản xuất mong muốn đồng hành cùng người tiêu dùng

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Hữu Kiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn KES - một trong những doanh nghiệp sản xuất gỗ công nghiệp quy mô lớn đến Mỹ cho biết, để bán được sản phẩm qua thị trường Mỹ phải trải qua rất nhiều vòng đánh giá của khách hàng và bên thứ 3.

Theo ông Kiên, mặc dù tất cả đặc tính của sản phẩm và các yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng sản phẩm của KES đều đạt chuẩn quốc tế nhưng việc tiêu thụ ở thị trường trong nước vẫn gặp khó khăn. Bởi thị trường Việt Nam hiện tại có hơn vài trăm thương hiệu khác nhau với tiêu chuẩn không rõ ràng, minh bạch, gây khó khăn cho các nhà sản xuất chân chính.

Ông Trịnh Hữu Kiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn KES mong muốn đồng hành cùng người tiêu dùng trong sản xuất và sử dụng sản phẩm nội thất an toàn, bền vững. Ảnh: BTC
Ông Trịnh Hữu Kiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn KES mong muốn đồng hành cùng người tiêu dùng trong sản xuất và sử dụng sản phẩm nội thất an toàn, bền vững. Ảnh: BTC

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Vĩ - chuyên gia đánh giá trưởng, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest3) cũng cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, nghiên cứu nhằm đáp ứng các quy định pháp lý, các yêu cầu kỹ thuật từ các hoạt động đánh giá sự phù hợp như: giám định, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận hệ thống trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

“Để thúc đẩy ngành sản xuất vật liệu nội thất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, các nhà sản xuất cần tìm hiểu và nghiên cứu tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh” – ông Vĩ nói.

An toàn và bền vững đang trở thành “kim chỉ nam” trong ngành nội thất khi các thị trường đang ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn như đảm bảo truy xuất nguồn gốc, hạn chế phác thải carbon, dùng vật liệu xanh... Ảnh minh hoạ
An toàn và bền vững đang trở thành “kim chỉ nam” trong ngành nội thất khi các thị trường đang ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn như đảm bảo truy xuất nguồn gốc, hạn chế phác thải carbon, dùng vật liệu xanh... Ảnh minh hoạ

Đối với từng sản phẩm, thị trường xuất khẩu sẽ có các quy định pháp lý cũng như các rào cản kỹ thuật khác nhau. Do đó, cần phối hợp với các hiệp hội như AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam), Eurocham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), Jica (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản),… tổ chức các hội thảo nhằm trao đổi thông tin để tiếp cận các thị trường phù hợp.

 

Có tầm nhìn, nhưng ngành gỗ Việt Nam “đi rất chậm” trong chuyển đổi xanh

Nếu như ở nước láng giềng là Singapore, các chỉ tiêu xanh được đặt ra vô cùng cụ như tiết kiệm được bao nhiêu nước, năng lượng,… thì tại Việt Nam dù đặt ra những mục tiêu cụ thể nhưng đang đi rất chậm trong việc đạt được các các tiêu chuẩn này. Nếu cứ như vậy, sẽ bỏ qua những cơ hội mà Net Zero mang lại”, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA)