Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội họp Phiên thứ ba: Đảm bảo không có “điểm trắng” cử tri đi bỏ phiếu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Rất cần MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội TP vào cuộc kiểm tra với những nơi có cử tri đi làm ăn xa, làm sao mời về được trong ngày bầu cử, lưu ý cử tri là công nhân các khu công nghiệp - chế xuất…, đảm bảo không có “điểm trắng” cử tri đi bỏ phiếu” - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ.

Sáng nay (27/4), Ủy ban Bầu cử (UBBC) TP Hà Nội tổ chức Phiên họp thứ ba để thống nhất triển khai một số nội dung về công tác bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBBC TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì Phiên họp. Dự Phiên họp có: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Chủ tịch UBBC TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBBC TP: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch HĐND TP - Phó Chủ tịch Thường trực UBBC TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP  Dương Đức Tuấn; đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP.
Triển khai các công việc nghiêm túc, đúng tiến độ
Tại đây, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà - Ủy viên Thường trực UBBC TP thay mặt UBBC TP báo cáo công tác bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn TP cho biết: Tính đến nay, UBBC TP tiếp tục chỉ đạo triển khai các nội dung công việc liên quan công tác bầu cử nghiêm túc, kịp thời, đúng quy trình, tiến độ theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia. TP đã thành lập 10 ban bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và 30 ban bầu cử ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026; UBND quận, huyện, thị xã thành lập 269 ban bầu cử ĐB HĐND cấp huyện; UBND xã, thị trấn thành lập 3.056 ban bầu cử ĐB HĐND cấp xã; UBND xã, phường, thị trấn thành lập 4.831 tổ bầu cử tại 4.831 khu vực bỏ phiếu (KVBP) theo quy định.
 Quang cảnh Phiên họp thứ Ba của Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội
Đáng chú ý, đến ngày 13/4, TP đã hoàn thành tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trứ, nơi công tác, với các hội nghị được tổ chức dân chủ, đúng trình tự, thủ tục quy định. Cụ thể, với tổng số 72 người ứng cử ĐB Quốc hội, có 42 người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu thì trong đó 7 người có đơn xin rút ứng cử, không tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú, 35 người có tín nhiệm nơi cư trú đạt trên 50%; có 30 người tự ứng cử thì trong đó 15 người không tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú (14 người có đơn xin rút ứng cử, 1 người bị công an bắt), 15 người tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú (4 người có tín nhiệm nơi cư trú đạt trên 50%, 11 người có tín nhiệm nơi cư trú dưới 50%), 11 người lấy ý kiến cử tri nơi công tác (7 người có tín nhiệm đạt 100%, 4 người có tín nhiệm dưới 50%).
Với 188 người ứng cử ĐB HĐND TP, có 185 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu thì trong đó 177 người có tín nhiệm nơi cư trú trên 50%, 1 người có tín nhiệm nơi cư trú dưới 50%, 7 người không tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú do có đơn xin rút ứng cử; có 3 người tự ứng cử thì trong đó 1 người có tín nhiệm nơi công tác và nơi cư trú trên 50%, 1 người có tín nhiệm nơi cư trú dưới 50%, 1 người không tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú do có đơn xin rút hồ sơ ứng cử.
Với 2.060 người ứng cử ĐB HĐNĐ quận, huyện, thị xã, có 2.052 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, giới thiệu thì trong đó 1.744 người có tín nhiệm nơi cư trứ trên 50%, 1 người có tín nhiệm nơi cư trú dưới 50%, 7 người không tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú do có đơn xin rút ứng cử; có 8 người tự ứng cử thì trong đó 5 người không tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú do có đơn xin rút ứng cử, 2 người có tín nhiệm nơi công tác và nơi cư trú đạt trên 50%, 1 người có tín nhiệm nơi cư trú dưới 50%.
Với 21.399 người ứng cử ĐB HĐND xã, thị trấn, có  21.350 người được các cơ quan, tổ chức, đom vị, giới thiệu thì trong đó 18.254 người có tín nhiệm nơi cư trú trên 50%, 61 người có tín nhiệm nơi cư trú dưới 50%, 3.035 người không tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú do có đơn xin rút ứng cử; có 49 người tự ứng cử thì trong đó 32 người có tín nhiệm nơi công tác và cư trú đạt trên 50%, 17 người không tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú do có đơn xin rút ứng cử.
Ngày 16/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB Quốc hội khóa XV gồm 37 người, trong đó 34 người do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 3 người tự ứng cử. Ngày 17/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 160 người, trong đó 159 người do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 1 người tự ứng cử. Đến ngày 18/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn cũng đã tổ chức xong hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021-2026, gồm: Ứng cử ĐB HĐND quận, huyện, thị xã là 1.748 người trong đó 1.746 người do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 2 người tự ứng cử (huyện Thanh Trì, huyện Mỹ Đức); ứng cử ĐB HĐND xã, thị trấn là 18.136 người trong đó 18.105 người do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 132 người tự ứng cử (tại Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên).
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết phát biểu tại Phiên họp
Bên cạnh đó, đến ngày 13/4, tất cả phường, xã, thị trấn của TP đã hoàn thành lập danh sách cử tri trên địa bàn và thực hiện việc niêm yết danh sách cử tri theo quy định, với số lượng cử tri toàn TP theo danh sách sơ bộ là 5.441.214 cử tri. Công tác thông tin tuyên truyền được TP triển khai liên tục đến khi diễn ra cuộc bầu cử và tiếp theo, chia theo các giai đoạn cụ thể từ tháng 1, cao điểm tháng 4, từ ngày 1/5 đến ngày bầu cử 23/5 và sau ngày bầu cử. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan  công tác bầu cử được Tiểu ban giải quyết KNTC về bầu cử các cấp tiếp nhận, giải quyết theo quy định. Đồng thời, Tiểu ban đảm bảo ANTT của UBBC TP đã ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn, quyết định phân công nhiệm vụ đảm bảo ANTT-ATXH trong công tác bầu cử trên địa bàn TP. Cùng đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) bầu cử TP đã thành lập 15 đoàn kiểm tra công tác bầu cử thực hiện kiểm tra, làm việc với BCĐ bầu cử, UBND, UBBC của 30 quận, huyện, thị xã về công tác bầu cử; Thường trực HĐND TP, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị-xã hội TP thành lập các đoàn giám sát làm việc với quận, huyện, thị xã về các nội dung liên quan công tác bầu cử. BCĐ và UBBC các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử và trực tiếp đến xã, phường, thị trấn, địa bàn dân cư để kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử.
Triển khai 2 đợt kiểm tra, giám sát
Theo UBBC TP, theo kế hoạch trong những ngày tới, UBBC các cấp sẽ công bố danh sách người ứng cử ĐB HĐND theo từng đơn vị bầu cử, chậm nhất vào 28/4; UBBC TP dự kiến công bố danh sách người ứng cử ĐB HĐND TP vào ngày 27/4 và công bố danh sách người ứng cử ĐB Quốc hội ở TP theo Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia chậm nhất vào 3/5; Tổ bầu cử niêm yết danh sách chính thức người ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp tại KVBP chậm nhất ngày 3/5. Cùng đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ chủ trì, phối hợp UBND các cấp tổ chức hội nghị ứng cử viên ĐB Quốc hội, ứng cử viên ĐB HĐND các cấp tiếp xúc cử tri để báo cáo chương trình hành động và vận động bầu cử; hướng dẫn tổ chức mạn đàm tiểu sử của người ứng cử ĐB Quốc hội và ứng cử viên ĐB HĐND các cấp từ ngày 4/5 đến trước 7h ngày 22/5. TP sẽ triển khai đợt cao điểm công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử từ ngày 1/5 đến hết 23/5...
Đặc biệt, các đoàn kiểm tra công tác bầu cử của TP sẽ kiểm tra, giám sát 2 đợt:  Đợt 1 từ ngày 4-12/5, kiểm tra về công tác tuyên truyền, vận động bầu cử; lập và niêm yết danh sách cử tri; lập, công bố và niêm yết danh sách chính thức người ứng cử ĐB HĐND; niêm yết danh sách chính thức người ứng cử ĐB Quốc hội; công tác chuẩn bị bầu cử; tình hình đảm bảo ANTT-ATXH, công tác phòng chống dịch bệnh và việc xây dựng các phương án khi có dịch xảy ra; tình hình đơn thư KNTC liên quan bầu cử; những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, tháo gỡ… Đợt 2 từ ngày 16-23/5, kiểm tra về công tác tuyên truyền, vận động bầu cử; niêm yết danh sách, tiểu sử người ứng cử ĐB Quốc hội và người ứng cử ĐB HĐND các cấp; chuẩn bị cho ngày bầu cử; đảm bảo ANTT, phòng chống dịch bệnh và xây dựng các phương án khi có dịch xảy ra; dư luận xã hội về cuộc bầu cử; tình hình cử tri học tập Luật Bầu cử, mạn đàm về cơ cấu, tiêu chuẩn ĐB Quốc hội và ĐB HĐND, tìm hiểu tiểu sử người ứng cử; kiểm tra toàn diện trong ngày bầu cử 23/5; những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc cần giải quyết… 
 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận Phiên họp
Đặt ra các tình huống, phương án ứng phó cụ thể
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: Thường trực Thành ủy vừa họp thống nhất đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành trong thực hiện công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên địa bàn TP đến thời điểm này. Từ đó, đồng chí lưu ý các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát việc niêm yết danh sách cử tri nhất là tại những khu vực có khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện, đơn vị công an quân đội, khu CN-CX, trường ĐH-CĐ, trại tạm giam… đều là nơi có cử tri là các đối tượng đặc thù, để tránh bỏ sót cử tri đi bỏ phiếu. Sau khi công bố công khai danh sách ứng cử viên tại từng khu vực bầu cử sẽ có khả năng xuất hiện các vấn đề về đơn thư phức tạp tại địa phương, nên cần rất lưu ý; đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể, rà soát theo quan điểm ưu tiên số một, có phương án tối ưu với những nơi có lãnh đạo T.Ư ứng cử, từ chuẩn bị cơ sở vật chất cho tới mọi điều kiện. “Đặc biệt, rất cần  MTTQ, các đoàn thể vào cuộc kiểm tra với những nơi có cử tri đi làm ăn xa, làm sao mời về được trong ngày bầu cử, lưu ý cử tri là công nhân các khu CN-CX…, đảm bảo không có “điểm trắng” cử tri đi bỏ phiếu” - đồng chí nêu rõ.
Cùng đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, 15 đoàn công tác của Thường vụ Thành ủy sẽ được kích hoạt sau ngày 13/5; sáng 15/5 Thường trực Thành ủy sẽ làm việc cụ thể với Bí thư và Thường vụ của 30 quận, huyện, thị xã về công tác chỉ đạo bầu cử. Đồng chí cũng lưu ý Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT và các báo, đài TP có phương án truyền thông cụ thể, hiệu quả tại các điểm cầu có các lãnh đạo T.Ư và lãnh đạo TP bỏ phiếu, trong điều kiện phòng chống Covid-19. TP sẽ phân công các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra địa bàn 30 quận, huyện, thị xã trong ngày bầu cử.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBBC TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận các cơ quan, đơn vị đã rất cố gắng thực hiện theo nhiệm vụ được giao về công tác chuẩn bị bầu cử, đạt được kết quả tích cực và nhấn mạnh: Chỉ còn gần 1 tháng nhưng là thời gian cao điểm của cuộc bầu cử, đề nghị Sở Nội vụ là cơ quan thường trực công tác bầu cử của TP triển khai ngay việc công bố danh sách ứng cử viên ĐB HĐND TP và đôn đốc các địa phương thực hiện công bố danh sách ứng cử viên ĐB HĐND cấp mình; sau chiều nay (27/4) UBBC TP sẽ công bố danh sách này theo các đơn vị bầu cử. Theo nhiệm vụ được phân công, các thành viên UBBC TP cần tập trung triển khai theo các công việc; các ban Đảng Thành ủy, Ủy ban MTTQ TP, các tổ chức chính trị-xã hội tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các thành phần cử tri đi bầu cử đảm bảo yêu cầu. 3 tiểu ban phục vụ công tác bầu cử TP cần tăng cường hoạt động, rà soát xây dựng lại các kịch bản cụ thể thực hiện từ nay đến ngày bầu cử 23/5, nhất là tại các điểm cầu có lãnh đạo T.Ư và lãnh đạo TP đi bỏ phiếu.
Trong đó, Chủ tịch UBBC TP lưu ý, Tiểu ban giải quyết KNTC về bầu cử cần đề xuất UBBC và UBND TP có cách thức phối hợp Ban Nội chính chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp, đơn thư KNTC liên quan các ứng cử viên đảm bảo chất lượng, tiến độ, đúng Luật; Tiểu ban về đảm bảo ANTT-ATXH rà soát lại cách thức phân giao nhiệm vụ, có kịch bản cụ thể, kịp thời thông tin tới các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn để xử lý triệt để những điểm phức tạp. “Giờ đã là thời gian cao điểm, nên thứ 6 hằng tuần các tiểu ban cần có báo cáo cụ thể tới UBBC TP về các nội dung liên quan vấn đề phức tạp, có kịch bản và cách thức ứng phó cụ thể” - Chủ tịch UBBC TP nhấn mạnh.